Khẳng định uy tín trong đào tạo

14:22, 25/06/2013

Đến Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên thời điểm này, chúng tôi bắt gặp khung cảnh làm việc rất khẩn trương của cán bộ, giảng viên Nhà trường để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013. PGS-TS Trần Chí Thiện, Hiệu trưởng Nhà trường thông báo một tin vui: Năm nay, Trường có thêm 1 ngành đại học mới được đưa vào tuyển sinh, đó là ngành Luật Kinh tế, nâng tổng số chương trình đào tạo bậc đại học của Nhà trường lên 18.

Được biết, Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh đã có tới 3 chương trình đào tạo chất lượng cao được Đại học Thái Nguyên phê duyệt đó là: Kế toán Tổng hợp, Thương mại Quốc tế (TMQT) và Quản Trị Kinh doanh tổng hợp (QTKDTH). Trong đó, lớp TMQT và QTKDTH có 40% số môn học, sinh viên được dạy bằng tiếng Anh. Nhà trường cam kết chuẩn đầu ra của sinh viên về chuyên môn, đối với ngoại ngữ thì sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có trình độ tiếng Anh 450 TOEIC quốc tế và tương đương, với tin học đạt trình độ IC3 quốc tế.

 

 

Sau hơn 9 năm thành lập, đến nay Nhà trường đã có 18 chương trình đào tạo bậc đại học với quy mô trên 11 nghìn sinh viên. Sau đại học có 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ là: Kinh tế Nông nghiệp và Quản trị Kinh doanh; 3 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ là: Quản lý kinh tế, Kinh tế Nông nghiệp và Quản trị kinh doanh. Kết quả trên cho thấy mặc dù những năm qua, nhiều trường đại học, cao đẳng quy mô tuyển sinh giảm, một số trường còn dừng tuyển sinh ở một số ngành, thì Nhà trường vẫn giữ được mức độ ổn định cao trong công tác tuyển sinh. Sở dĩ có sự phát triển về quy mô cũng như bước đầu xây dựng được các ngành học chất lượng cao như trên là do Nhà trường đã xây dựng được chiến lược phát triển để đến năm 2015 trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kinh tế, doanh doanh và quản lý hàng đầu của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đến năm 2020 phát triển ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong nước…

 

Để đạt được mục tiêu trên, Nhà trường chọn 2 khâu đột phá tập trung chỉ đạo quyết liệt đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Theo Tiến sĩ Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng với việc tuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ để kế cận lớp cán bộ, giảng viên nghỉ chế độ thì hằng năm Nhà trường đều có kế hoạch cử cán bộ, giảng viên đi học tập nâng cao trình độ. Nhà trường đặc biệt khuyến khích cán bộ, giáo viên chủ động đăng ký đi làm nghiên cứu sinh (NCS) ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Riêng năm 2012, đã có 9 giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

 

Cũng trong năm này, Nhà trường đã cử đi dự thi và có 33 cán bộ, giảng viên thi đỗ NCS (trong đó có 6 người đi NCS tại nước ngoài, 15 người theo chương trình liên kết quốc tế và 12  người làm NCS trong nước); 31 giảng viên trẻ thi đỗ cao học, trong đó có 5 người học cao ở nước ngoài. Nhà trường còn cử 22 giảng viên trẻ đi học lớp tiếng Anh trình độ cao tại Đại học Hà Nội; 15 giáo viên học tiếng Anh tại CFORD (Trung tâm phát triển nguồn lực ngoại ngữ của Đại học Thái Nguyên); bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 95 giảng viên khác và cử 6 giảng viên đi học tập tại Úc trong khuôn khổ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020 của Bộ GD&ĐT. Như vậy, sau hơn 9 năm thành lập, từ chỗ có 129 cán bộ, giảng viên, đến nay, đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên Nhà trường đã phát triển cả về số lượng, nâng cao về chất lượng.

 

Hiện, trong tổng số 425 người, có 293 giảng viên, Trường có tới 32 PGS-TS, 157 thạc sĩ, chiếm trên 64%. Cùng với việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như xây dựng các ngành học chất lượng cao, mở thêm các ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, trong những năm gần đây, Trường đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế. Hiện Nhà trường đã ký kết được 45 biên bản thỏa thuận trao đổi học thuật với nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới như Đại học Hohenheim (Cộng hòa Liên bang Đức); Đại học Sogang (Hàn Quốc); Đại học AUT (New Zealand); Đại học Tài chính Thượng Hải (Trung quốc)… và các tổ chức quốc tế như IRRI, The Ford Foidation… về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Thông qua việc đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, Nhà trường đã khai thác được nguồn lực về tài chính, đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ về đổi mới giáo trình, bài giảng, phương pháp giảng dạy tiên tiến. Đặc biệt, Nhà trường đã có 8 chương trình liên kết quốc tế như: đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh với Hàn Quốc, Philippines; Tài chính quốc tế, Thương mại Quốc tế với Đại học Tài chính Thượng Hải (Trung Quốc); đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, Quản lý Công với Philippines với hơn 200 sinh viên đại học, 250 học viên cao học và 30 NCS.

 

Thời gian thành lập và đi vào hoạt động của Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh tuy chưa dài, song với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường đã có bước phát triển nhanh, bền vững, khẳng định được uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho khu vực các tỉnh trung du miền núi phía Bắc mà còn cho cả nước.