Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Những nhân tố mới xuất hiện không còn là cá biệt

08:21, 16/07/2013

Tại Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có những ý kiến trực tiếp, cụ thể vào dự thảo báo cáo giám sát.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Giáo dục phổ thông đã xuất hiện những nhân tố mới, những điển hình mới và những nhân tố này không còn là cá biệt.

 

Đó là việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ chương trình tiếng Việt mới, nhất là ở các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc. Với chương trình này, khoảng 3 - 5 năm nữa sẽ khó tìm thấy trường hợp học sinh tái mù chữ, nói ngọng, viết câu sai. Điều này không chỉ đảm bảo cho chất lượng dạy tiếng Việt mà còn đảm bảo nền tảng vững chắc cho bậc học tiểu học.

 

Về phương pháp học tập, ngành Giáo dục với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế đã triển khai khá tốt chương trình “Bàn tay nặn bột”; mô hình trường học mới cũng được áp dụng. Từ đó, học sinh, kể cả ở vùng sâu, vùng xa không còn thụ động, học thuộc mà làm chủ lớp học, tổ chức hoạt động của lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

 

Về nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, không phải ngẫu nhiên năm 2012, học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam đạt giải nhất trong Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2012. Mối quan hệ giữa trường ĐH với các trường phổ thông mấy năm gần đây đã được thiết lập; tạo cơ chế để các giáo sư, những nhà khoa học đầu ngành ở các viện nghiên cứu và các trường ĐH tham gia hướng dẫn, trước hết là học sinh, sau là giáo viên của các trường phổ thông tham gia nghiên cứu khoa học.

 

Vấn đề thi cử cũng đã thay đổi, không bắt học sinh phải học thuộc lòng, đề thi đã chạm được vào những vấn đề của thời đại. Rồi việc kiểm tra đánh giá, nếu những năm trước, hiện tượng thí sinh và cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật hầu hết do thanh tra phát hiện thì năm nay, hầu như tuyệt đại bộ phận các trường hợp vi phạm đều do giám thị, do cơ sở phát hiện và xử lý. Điều đó cho thấy nhận thức và hành động của các thầy cô giáo đã thay đổi, hiệu quả của sự thay đổi quản lý của ngành đã thay đổi...

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định: Chúng ta chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục. Vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn lớp học tạm, tranh tre nứa lá; ngay cả vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều nơi cũng không thiếu phòng học xập xệ.

 

“Tính toán sơ bộ, để có trường lớp học theo chương trình kiên cố hóa cần thêm 48 nghìn tỷ đồng. Còn để giải quyết triệt để toàn bộ phòng học, nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu vùng xa cần đến 480 nghìn tỷ. Lúc nào chúng ta sẽ có cái này? Tất nhiên ở đây không phải hoàn toàn là tiền ngân sách nhưng với phổ thông thì nguồn lực của nhà nước vẫn là chủ yếu. Và nếu có đủ thì đó mới là có kiên cố hóa theo hướng chuẩn hóa, chưa phải là chuẩn hóa, hiện đại hóa” – Bộ trưởng đưa ra ví dụ cụ thể.

 

Vấn đề ngân sách chi cho giáo dục, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, con số 20% chỉ có ý nghĩa với các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh, với Quốc hội, nhưng với các hiệu trưởng thì điều họ quan tâm là con số đảm bảo được định mức chi nhà trường. “Vậy nên trong Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, chúng tôi có đề xuất phải đảm bảo đủ kinh phí theo định mức chi của các cơ sở giáo dục; tiến tới định mức chi để đảm bảo chất lượng” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.