Giáo dục nhân cách chưa đồng bộ với giáo dục tri thức

16:56, 20/07/2013

Mục tiêu, phương pháp, định hướng giáo dục thời gian vừa qua không sai, nhưng chưa đồng bộ. Giáo dục hành vi, nhân cách chưa đồng bộ với giáo dục tri thức, và cần đổi mới phương pháp dạy học để làm rõ những yếu tố giúp thay đổi nhân cách trẻ. Đó là những đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân .

Phó Thủ tướng đưa ra nhận định trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức tại Lâm Đồng, ngày 20-7.

 

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học 2012-2013, ngành GD và ĐT chú trọng đổi mới quản lý theo hướng tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để cơ sở giáo dục tự chủ và chịu trách nhiệm; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

 

Đáng chú ý, ngành GD và ĐT đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm, giải quyết một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội tồn tại từ lâu như: Dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu trong các cơ sở giáo dục... Nhiều địa phương đã quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên công tác tại các vùng đặc biệt khó khăn.

 

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu; giáo dục văn hóa và lịch sử dân tộc, đạo đức và lối sống, kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các đề án về xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ. Việc dạy trước chương trình lớp một, tình trạng lạm thu, dạy thêm sai quy định, nhất là ở các khu đô thị, thành phố lớn và tình trạng bạo lực học đường chưa được giải quyết triệt để…

 

Phát ngôn từ lãnh đạo Bộ cho biết, trong năm học 2013-2014, toàn ngành sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; rà soát việc thực hiện phân cấp, hoàn thiện cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về giáo dục. Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học; phương thức và kỷ cương thi, kiểm tra, đánh giá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục phổ thông.

 

Theo Giám đốc Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn, việc thực hiện đánh giá ngoài cơ sở giáo dục do chính các địa phương thực hiện như hiện nay là chưa hợp lý. Công tác phân luồng học sinh sau THCS chưa cao (tỷ lệ cao nhất chỉ được khoảng hơn 10%). Vì vậy, theo ông Sơn, Bộ GD và ĐT cần đổi mới đào tạo khối trung cấp chuyên nghiệp, gắn với doanh nghiệp, địa phương để người học có việc làm ngay sau khi ra trường để thu hút người học, bảo đảm hiệu quả phân luồng.

 

Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Yên Bái Hà Thị Minh Lý chia sẻ về kinh nghiệm huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở cùng vào cuộc để chung tay giải quyết những khó khăn cho các trường học; nhất là các trường vùng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.

 

Theo bà Minh Lý, Bộ GD và ĐT cần tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học; Nghiên cứu, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng định mức biên chế đối với vị trí việc làm trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú…

 

Đại diện Sở GD và ĐT Thanh Hóa kiến nghị việc thống nhất Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề giao cho một bộ chủ quản.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, kết quả năm học là bước đổi mới, tạo tiền đề cho phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo; Nhiều vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm, lạm thu... có xu hướng giảm và đó là “tín hiệu đáng mừng cần tiếp tục thực hiện”.

 

Phó Thủ tướng lưu ý, việc chuẩn hóa, đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ là thi nghiêm túc mà còn cần có thẩm định, tái thẩm định. Bộ GD và ĐT đã đổi mới cách ra đề thi các môn khoa học xã hội, giúp học sinh vận dụng và chủ động kiến thức nhưng cần đẩy mạnh cả việc đổi mới ra đề thi các môn khối tự nhiên để người học tăng vận dụng, hạn chế thuộc lòng. Bộ GD và ĐT cần nêu gương những trường học, giáo viên tiên phong trong đổi mới giáo dục trên trang thông tin điện tử để các địa phương, thầy cô giáo biết và học tập lẫn nhau.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, toàn ngành GD và ĐT đẩy mạnh đổi mới phương pháp, phát huy sáng tạo và tận dụng điều kiện từng địa phương thực hiện tốt dạy và học. Tăng cường phương pháp đánh giá kết quả học tập đúng, phù hợp, khuyến khích học sinh sáng tạo. Đẩy mạnh chuẩn hóa đầu vào ngành giáo dục, nhất là chuẩn hóa quản lý.

 

“Cần lấy quản lý tốt làm yếu tố đột phá với phương châm: Quản lý tốt, dạy tốt và học tốt. Đẩy mạnh chuẩn hóa giáo viên không chỉ chuyên môn mà còn là tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo; gắn kết giữa giáo dục phổ thông và các trường đào tạo giáo viên”- Phó Thủ tướng chỉ rõ- “Cả nước đã có 96,88% số trường bảo đảm “ba đủ“ nhưng còn hơn 3%, tương đương 1.289 trường chưa bảo đảm, là điều đáng quan tâm.”

 

Phó Thủ tướng nhắc nhở cần triển khai quyết liệt vấn đề phổ cập giáo dục mầm non năm tuổi. Đến nay mới chỉ có sáu tỉnh đạt chuẩn, chủ yếu là phía bắc. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần mở hội nghị toàn quốc đánh giá phổ cập mầm non năm tuổi và lộ trình ở các địa phương chưa hoàn thành cần triển khai quyết liệt.

 

- Năm học 2012-2013, toàn quốc có 13741 trường mầm non (tăng 404 trường), 15.361 trường tiểu học (tăng 24 trường), 10.647 trường THCS (tăng 37 trường), 2.708 trường THPT (tăng 39 trường) và 300 trường PTDTNT. Ngoài ra, cả nước có 745 trung tâm TTGDTX và 10.877 trung tâm học tập cộng đồng..

 

- Năm học vừa qua cả nước có thêm 481 trường mầm non, 441 trường tiểu học, 931 trường THCS, 151 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

 

- Có 8030/10761 đơn vị cấp xã (đạt 72,2%) đạt chuẩn Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi; 61/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Ngoài ra, có 67.446 trẻ khuyết tật theo học cấp tiểu học, trong đó có 65.328 trẻ khuyết tật học hoà nhập và 2.118 trẻ khuyết tật học trong 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt…