Kinh nghiệm đổi mới giáo dục đại học - Nhìn từ nước Pháp

08:33, 14/07/2013

Ở Pháp, GDĐH được hiểu theo nghĩa phổ biến là nền giáo dục dành cho người học đã tốt nghiệp bậc PTTH. Với khái niệm đó, vì những lý do lịch sử, các cơ sở đào tạo tham gia vào lĩnh vực GDĐH tại Pháp khá đa dạng về loại hình và thuộc các đơn vị chủ quản khác nhau, dẫn đến một hệ thống phức tạp.  

Một số trường Trung học (lycées) được phép đào tạo các lớp dự bị đại học cho các trường đại học ngành hoặc chuyên ngành (các trường đào tạo kỹ sư, các trường đại học thương mại, kiến trúc, thú y,...) hoặc đào tạo cho học sinh thi lấy bằng Kỹ thuật viên cao cấp (BTS, học trong 2 năm sau Tú tài) cũng có mặt trong hệ thống này.

 

Nếu xét theo nghĩa hẹp hơn “GDĐH thực sự phải dựa trên hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo học vị cao nhất là Tiến sĩ” thì chỉ có một số trường phù hợp với khái niệm này. 

 

Đào tạo và cấp phát văn bằng

 

Có sự khác nhau cơ bản trong phương cách tiếp nhận sinh viên vào bậc đại học ở Việt Nam và ở Pháp. Nếu như ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, để vào đại học, các thí sinh phải dự kỳ thi tuyển sinh được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp PTTH.

 

Còn ở Pháp, bất kỳ học sinh trung học nào đã tốt nghiệp Tú tài đều có thể đi thẳng vào đại học, Bachelier được xem là bậc đầu tiên ở GDĐH từ thời Trung đại. Chỉ có ngoại lệ đối với các trường cao đẳng vì ở đó việc tuyển chọn sinh viên được thực hiện trên cơ sở xem xét hồ sơ dự tuyển của thí sinh.

 

Thời gian đào tạo đại học ở Pháp là từ 3 đến 8 năm và theo hệ thống L-M-D chung của Châu Âu (L, M và D lần lượt là ký tự đầu tiên của Licence (đại học), Master (thạc sĩ) và Doctorat (tiến sĩ)), người học sẽ có học vị và văn bằng Cử nhân (Licence, Bachelor) vào cuối 3 năm học sau Tú tài (Tú tài+3), Thạc sĩ (Master) vào cuối 5 năm học sau Tú tài (Tú tài+5) và Tiến sĩ (Doctorat) vào cuối 8 năm học sau Tú tài (Tú tài+8).

 

Tuy nhiên, việc đào tạo đại học đối với các ngành y tế (y, dược và nha khoa) không theo mô hình này và cuối quá trình đào tạo người học sẽ được cấp học vị Bác sĩ/Dược sĩ/Nha sĩ (Docteur d’exercice).

 

Chương trình đào tạo chỉ có tính hợp pháp khi được đưa vào hợp đồng dài hạn được ký kết giữa Nhà nước (được đại diện bởi Bộ GDĐH và Nghiên cứu) và nhà trường.

 

Quy trình cập nhật hoặc mở mới chương trình đào tạo ở bậc đại học cũng như cao học gồm các bước sau đây: (1) Các đơn vị và cá nhân phụ trách đào tạo lập hồ sơ đề nghị cập nhật/mở mới chương trình đào tạo; (2) Hội đồng ĐVĐTNC/Viện/Trường xem xét hồ sơ và chuyển ý kiến đến Hội đồng Học vụ và Môi trường đại học; (3) Hội đồng ĐVĐTNC/Viện/Trường xem xét hồ sơ và chuyển ý kiến đến Hội đồng Hành chính; (4) Nếu hồ sơ được Hội đồng Hành chính chấp thuận, nhà trường sẽ trình lên Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu để thẩm định.

 

Trong quá trình hồ sơ được thẩm định ở Bộ, giữa Bộ và nhà trường có thể có một vài lần trao đổi ý kiến qua lại trước khi hồ sơ được công nhận hoặc bị từ chối.

 

Sau khi được Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu chuẩn y, chương trình đào tạo sẽ có hiệu lực trong thời hạn 5 năm. 

 

Quản lý các hoạt động

 

Để quản lý tổ chức đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học ở Pháp có 2 cấp: Ở trung ương là Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu (GDĐH và NC); ở cấp địa phương có Trưởng Khu Giáo dục (đại diện của Nhà nước tại một vùng hay khu vực) và Trưởng Khu Nghiên cứu khoa học (đại diện của Nhà nước tại một vùng hay khu vực).

 

Ở cấp trung ương, Bộ trưởng Bộ GDĐH và NC xây dựng và thực thi chính sách của Chính phủ về phát triển GDĐH. Bộ trưởng Bộ GDĐH và NC cũng đề xuất và thực thi chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ thông qua mối liên kết với Bộ trưởng của các Bộ khác có liên quan. Một Ủy ban Liên Bộ về Nghiên cứu khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xác định những vấn đề mang tính ưu tiên ở cấp quốc gia.

 

Trong khuôn khổ của chương trình liên bộ “Nghiên cứu và Giáo dục đại học”, Bộ trưởng Bộ GDĐH và NC xây dựng các quyết sách của Chính phủ về phân phối nguồn lực và phương tiện do Nhà nước cung cấp và trên cơ sở đó, Bộ trưởng các Bộ khác sẽ đề xuất với Bộ trưởng Bộ GDĐH và NC phần kinh phí đóng góp của Bộ mình cho nghiên cứu khoa học khi xây dựng ngân sách hằng năm.

 

Ở cấp địa phương, Trưởng Khu Giáo dục sẽ tham dự hoặc cử đại diện tham dự vào Hội đồng Hành chính của các cơ sở GDĐH trong khu vực do mình quản lý. Trưởng Khu Giáo dục sẽ tiếp nhận thông tin về các Quyết định của Thủ trưởng các trường đại học và các Quyết nghị của Hội đồng hành chính, có quyền kiểm tra hậu kiểm tất cả các sự việc ngoại trừ những vấn đề liên quan đến ngân sách.

 

Trưởng Khu Giáo dục có thể đình chỉ việc thực thi một quyết định nào đó trong trường hợp việc thực hiện quyết định này gặp khó khăn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị đưa ra Tòa án hành chính.

 

Cơ cấu tổ chức của các đại học

 

Một mô hình đào tạo quan trọng trong hệ thống GĐĐH ở Pháp, mang tính đa ngành, có số sinh viên tương đối lớn tương tự như các ĐHQG và Đại học Vùng ở Việt Nam (ví dụ Đại học Nantes có đến 45.000 sinh viên), bao gồm trong nó một số trường ĐH, CĐ.

 

Mô hình này có Giám đốc là cấp cao nhất, được Hội đồng Hành chính của ĐH bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm và chỉ có thể làm việc ở vị trí này tối đa trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Việc bầu Giám đốc, những thành viên trong Hội đồng Hành chính là người ngoài ĐH không được tham dự. Giám đốc ĐH có thể là giảng viên -nghiên cứu viên cơ hữu hoặc thỉnh giảng và không bị khống chế bởi điều kiện về quốc tịch.

 

Ở các đại học có 3 Hội đồng tham gia vào việc tổ chức và điều hành các hoạt động của nhà trường: Hội đồng Hành chính, Hội đồng Khoa học và Hội đồng Học vụ và Môi trường đại học. Các Hội đồng này đều có nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ của Giám đốc ĐH đương nhiệm, các Hội đồng Khoa học và Hội đồng Học vụ và Môi trường đại học sẽ được lập mới vào mỗi lần lập mới Hội đồng Hành chính.

 

Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và nhu cầu trong hoạt động của nhà trường, Giám đốc ĐH có thể thành lập thêm, với sự chấp thuận của Hội đồng Hành chính, một số Hội đồng khác ngoài 3 Hội đồng cơ bản nói trên. Chẳng hạn ở ĐH Nantes, có thêm Hội đồng Hợp tác quốc tế.

  

Các hội đồng...

 

- Hội đồng hành chính gồm từ 20 đến 30 thành viên hoặc từ 21 đến 30 thành viên trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng (là Giám đốc Đại học) không phải thành viên được bầu vào Hội đồng có trách nhiệm và chức năng: (1) Xác định chính sách, chiến lược hoạt động, phát triển của nhà trường; (2) Quản lý tài chính, ngân sách; (3) Phân phối nhu cầu tuyển dụng; (4) Phê chuẩn các thỏa thuận, giao ước do Giám đốc ĐH ký kết, các nguồn tài trợ, tài sản được thừa hưởng; (5) Xem xét việc kỷ luật cán bộ; (6) Phê chuẩn báo cáo hoạt động hằng năm của Giám đốc ĐH và các hợp đồng dài hạn (hiện tại là 5 năm) được ký kết giữa Nhà nước (được đại diện bởi Bộ GDĐH và NC) và nhà trường. Cơ cấu này chỉ tương ứng với Hội đồng hành chính có 30 thành viên.

 

- Hội đồng Khoa học gồm 40 thành viên với tỷ lệ nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm từ 10 đến 15%. Số thành viên sẽ là 41 người nếu Chủ tịch Hội đồng (là Giám đốc ĐH) không phải là thành viên trong Hội đồng. HĐKH không đề xuất các định hướng hoạt động lên HĐHC nhưng được tham khảo ý kiến và có thể đưa ra những đề nghị liên quan đến chính sách khoa học.

 

Đồng thời cũng sẽ được tham vấn về các chương trình đào tạo tiến sĩ, đảm bảo điều kiện về chất lượng cho công tác của các giảng viên và nghiên cứu viên, các chương trình và hợp đồng nghiên cứu, các đề án xây dựng, cải tạo và nâng cấp các phòng thí nghiệm, hợp đồng dài hạn được ký kết giữa Nhà nước và nhà trường,... Như việc xác định số lượng tối đa nghiên cứu sinh tiến sĩ có cùng một giáo viên hướng dẫn.

 

- Hội đồng Học vụ và Môi trường đại học gồm 40 thành viên trong đó có 16 sinh viên và cũng có thẩm quyền hạn chế như HĐKH (chỉ được tham khảo ý kiến và chỉ có thể đề xuất ý kiến). Chủ tịch Hội đồng này cũng là Giám đốc ĐH như đối với các HĐHC và HĐKH. HĐHV và MTĐH có chức năng kiểm tra chương trình đào tạo của nhà trường (cập nhật, mở mới), bảo đảm tính phù hợp và tuân thủ các quy định của hệ thống đánh giá, kiểm tra kiến thức.

 

Hội đồng sẽ được tham vấn về công tác quy hoạch tự nhiên, môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp đón các sinh viên bị khuyết tật.

 

... và đơn vị trực thuộc

 

- Đơn vị Đào tạo - Nghiên cứu là cơ sở được lập ra để liên kết các Khoa đào tạo, các Phòng thí nghiệm và các Trung tâm nghiên cứu với nhau. Quản lý Đơn vị ĐTNC là Hội đồng ĐVĐTNC gồm tối đa 40 thành viên (là những người được bầu ra bởi tập thể cán bộ và sinh viên trong đơn vị), bao gồm giảng viên, cán bộ hành chính, kỹ thuật viên, sinh viên và từ 20 đến 50% người bên ngoài. Hội đồng có chức năng quản lý ĐVĐTNC và xác định chương trình đào tạo và nghiên cứu ở cấp ĐVĐTNC.

 

Giám đốc ĐVĐTNC là một giảng viên - nghiên cứu viên hiện công tác trong đơn vị, được Hội đồng ĐVĐTNC nhất trí đề cử để Giám đốc ĐH bổ nhiệm, có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được tái nhiệm nhưng chỉ một lần duy nhất.

 

- Viện, Trường cao đẳng và đại học do Hội đồng Viện hoặc Hội đồng Trường quản lý, có số lượng thành viên và cơ cấu giống như Hội đồng ĐVĐTNC, nhưng có một điểm khác nhau rất cơ bản: Chủ tịch của Hội đồng Viện hoặc Hội đồng Trường bắt buộc phải là người ở ngoài ĐH.

 

Giám đốc Viện hay Hiệu trưởng nhà trường là một giảng viên - nghiên cứu viên, được Hội đồng Viện hoặc Hội đồng Trường nhất trí đề cử và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu bổ nhiệm (trong khí đó Giám đốc ĐH không phải do Bộ bổ nhiệm mà chỉ do Hội đồng Hành chính của ĐH bầu ra).

 

- Điểm khác biệt là Ban/Phòng Tài vụ của ĐH thực hiện chức năng tài chính công và kiểm tra tài chính. Đơn vị này lại không đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của Giám đốc ĐH mà Giám đốc ĐH chỉ đóng vai trò tư vấn tài chính cho đơn vị này.

 

Có thể nói, với cách thức quản trị, điều hành như vậy đã có vai trò tích cực trong phát triển giáo dục đại học Pháp một cách hiệu quả.

 

Như ở Đại học  Nantes, Giám đốc Đại học cùng với các cộng sự, đặc biệt là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học soạn thảo nội dung của hợp đồng dài hạn sẽ ký kết với Nhà nước (được đại diện bởi Bộ GDĐH và NC), trong đó thể hiện chính sách khoa học của nhà trường. Những định hướng quan trọng sẽ được đưa ra trước Hội đồng Khoa học, lấy quyết nghị của Hội đồng Hành chính trước khi đệ trình lên Bộ GDĐH và NC để được thẩm định.

 

Các chương trình và đội ngũ nghiên cứu được Bộ GDĐH và NC chấp thuận sẽ được cung cấp nhân lực và tài chính. Tuy nhiên, nhiều hay ít cũng còn tùy thuộc vào vị trí của đội ngũ nghiên cứu trong bảng phân hạng, xếp loại của Bộ GDĐH và NC.