Trước nhiều ý kiến về bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, độc giả Na Na phân tích 6 điểm làm rõ vấn đề này.
Tôi nghĩ mọi người ai cũng đều đang nhầm lẫn giữa "thi" và "kiểm tra". Bất cứ trường học hoặc nơi làm việc nào mà bạn muốn vào thì chắc chắn bạn phải qua khâu thi tuyển hoặc xét tuyển (xét tuyển cũng là một hình thức "thi") và khi bạn đã hoàn thành xong chương trình học rồi thì chắc chắn bạn phải được người dạy kiểm tra để xác nhận và cấp giấy Chứng nhận tốt nghiệp cho bạn nếu bạn đã đủ điểm trung bình.
Vì thế khi tốt nghiệp ra trường chúng ta không gọi là "thi" mà phải gọi là là "kiểm tra", bởi lẽ chỉ cần ai đủ điểm trung bình (có thể cho từng môn hoặc cho tất cả các môn) thì đều tốt nghiệp cả, không có cạnh tranh. Còn đầu vào ở các trường hoặc các nơi làm việc đều có sự cạnh tranh nên mới gọi là "thi". Đó là tất cả quan điểm hầu hết của hệ thống Giáo dục Việt Nam từ trước đến nay. Cho nên tất nhiên là không thể bỏ đi cái nào (vì cái nào cũng quan trọng).
Nói đến giáo dục là phải hết sức mô phạm, nghiêm túc nhất trong các sự nghiêm túc, từ đầu vào cho đến đầu ra; kể cả người dạy lẫn người học và cả người lãnh đạo -quản lý - giám sát; kể cả môi trường lẫn cơ sở vật chất; kể cả nội dung chương trình và thực tiễn cuộc sống... đều phải đáp ứng nhu cầu của một xã hội ngày càng phát triển để hội nhập với toàn cầu.
Mọi sự trái ngược - tiêu cực - phản giáo dục cần phải bị xử lý nghiêm minh, kỷ luật phù hợp với mức độ, không châm chước - bao che - chống đỡ bằng mọi hình thức, vì như thế sẽ không bao giờ làm trong sạch môi trường giáo dục được. Mọi sự tiến triển, khả năng vượt trội, tích cực vươn lên không ngừng cần phải được khen thưởng thỏa đáng (Chiến sĩ thi đua được thưởng ít nhất bằng 1/2 tháng lương chứ không phải hình thức cho có lệ).
Tuy nhiên, với tình hình thực tế giáo dục hiện nay, đọc giả Na Na cho rằng: Thứ nhất không nên phân biệt trường (chuẩn - không chuẩn), lớp (chọn - không chọn) trong hệ thống công lập. Vì như vậy sẽ tạo ra sự bất công cho cả GV và HS. Chúng ta đang thực hiện luật GD và đang hướng tới một xã hội công bằng và văn minh.
Thứ hai, HS lưu ban lần 1 thì phải đóng mức học phí gấp rưỡi, lần 2 đóng gấp đôi so với HS bình thường. Thi lại môn nào phải đóng lệ phí môn đó. Có như vậy thì gia đình mới có trách nhiệm đốc thúc con em học hành cho đàng hoàng. HS xuất sắc (vị thứ từ 1-3) cần phải được khen thưởng với phần thưởng xứng đáng (không thưởng tràn lan, cào bằng như hiện nay)
Thứ ba, HS chuyển từ bậc học này sang bậc học khác cao hơn không cần phải thi tuyển mà chỉ cần có giấy Chứng nhận đã hoàn thành bậc học với bảng điểm trung bình các môn đạt 5,0 trở lên là được. Riêng lên bậc đại học thì xét tuyển tùy theo mức điểm sàn của các môn phân ban và số lượng đầu vào của mỗi trường (khi nào bậc đại học phát triển mạnh như các nước tiên tiến thì không cần điều kiện này). HS có thể đăng ký vào nhiều trường, trúng tuyển vào trường nào thì có thể học trường đó.
Thứ tư, nếu không đủ điểm lên bậc THPT thì HS (trên 15 tuổi) được đăng ký học sơ cấp nghề có đóng học phí (6 tháng), có giấy Chứng nhận tốt nghiệp sơ cấp nghề mới được tuyển vào làm công nhân (hoặc thợ), sau đó vừa làm vừa học bổ túc ban đêm ở Trung tâm GDTX để lấy giấy Chứng nhận đã hoàn thành bậc học THCS. Rồi sau đó được học bổ túc tiếp để lấy giấy Chứng nhận hoàn thành bậc THPT. Lúc đó người học có thể đăng ký xét tuyển vào đại học bình thường như những người khác .
Thứ năm, nếu không đủ điểm lên bậc đại học thì HS (trên 18 tuổi) được đăng ký học trung cấp nghề có đóng học phí (3 năm), có giấy chứng nhận Tốt nghiệp Trung cấp nghề mới được thi tuyển vào làm cán bộ kỹ thuật, sau đó vừa làm vừa học bổ túc ban đêm ở Trung tâm GDTX để lấy giấy chứng nhận đã hoàn thành bậc học THPT. Lúc đó người học có thể đăng ký xét tuyển vào đại học bình thường như những người khác.
Thứ sáu, đối với bậc đại học, các đợt kiểm tra cấp tín chỉ cần phải hết sức nghiêm túc. Nếu không đủ điểm buộc phải thi lại nhưng phải đóng lệ phí theo quy định. Sau khi SV đủ các tín chỉ quy định, trường đại học mới tổ chức trao Bằng tốt nghiệp cho SV.
Thi tuyển không phải để nhận hay không nhận vào làm việc mà là để xếp loại mức lương cho phù hợp với năng lực mà thôi. Nhà nước cũng phải có trách nhiệm sắp xếp công việc cho họ để tránh lãng phí nhân tài và tình trạng thất nghiệp như hiện nay.
Nói tóm lại là không cần tổ chức "thi tốt nghiệp THPT", chỉ cần đủ điểm thì cấp giấy Chứng nhận đã hoàn thành bậc học (có nhập điểm vào học bạ điện tử) và cũng không cần phải tổ chức "thi đại học" nữa mà chỉ xét tuyển theo giấy Chứng nhận đó (có kiểm tra học bạ điện tử qua internet). Đầu vào phải đủ điều kiện và đầu ra phải kiểm tra thật nghiêm túc. Có như vậy người học mới hết sức cố gắng, tích cực, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập.