Giảm áp lực về điểm số đối với HS lớp 1

07:50, 27/08/2013

Chủ trương không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong suốt thời gian học đã được Bộ GD&ĐT đưa ra trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013 -2014. Hướng dẫn này đã được nhiều phụ huynh và giáo viên ủng hộ bởi cách làm này khuyến khích được tinh thần học tập của các em.

Cùng chia sẻ ý kiến

 

Đối với việc đánh giá HS lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, GV tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. GV không được có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cách đánh giá này đối với HS lớp 1 sẽ tạo cho các em tâm lý học tập thoải mái không bị áp lực về điểm số trong thời gian bước vào môi trường học tập mới.

 

Chị Thu Hà có con năm nay bước vào lớp 1 chia sẻ: Là một trong số ít phụ huynh không cho con học trước lớp 1, tôi thấy yên tâm hơn khi được biết hướng dẫn này của Bộ GD&ĐT. Đối với những HS không được học trước sẽ không cảm thấy tự ti vì nếu GV chấm điểm trong những tháng đầu chắc chắn kết quả của các cháu sẽ kém hơn nhiều so với những bạn được học trước. Như vậy với cách đánh giá này, các cháu sẽ không có áp lực về tâm lý trong thời gian đầu đi học.

 

Cô Vũ Tố Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B cho biết: Hiện nhà trường đã triển khai hướng dẫn này trong hội đồng sư phạm. Chỉ đạo này của Bộ GD&ĐT đã tạo quyền chủ động linh hoạt cho các nhà trường và đặc biệt giảm áp lực đối với HS lớp 1. Với việc không cho điểm, chủ yếu GV đánh giá kết quả của HS bằng nhận xét động viên khuyến khích sẽ tạo cho các em tâm lý hứng khởi để tiếp nhận kiến thức mới. Với cách đánh giá bằng nhận xét sẽ đòi hỏi GV phải tiến hành công việc tỉ mỉ hơn.

 

Cụ thể ở môn Toán, GV vẫn cần phải chữa đúng sai trong bài làm về các kỹ năng tính toán và kèm theo nhận xét. Còn với môn Tiếng Việt, GV nên chữa các lỗi và nhận xét cho HS thấy rõ mức độ bài làm của mình. Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng lo lắng vì nếu chỉ dựa vào một điểm duy nhất ở cuối năm học thì vì một vấn đề nào đó, kết quả học tập của các em cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy đến giữa học kỳ II cũng nên xem xét vấn đề có cho điểm HS hay không? Nếu chỉ cho một điểm duy nhất vào cuối năm học thì cũng khó khăn cả cho GV và phụ huynh về vấn đề đánh giá đúng mức lực học của HS.

 

Cô Lê Thị Hậu, GV Trường Tiểu học Tân Mai bày tỏ quan điểm: Hướng dẫn về đánh giá HS tiểu học tạo điều cho HS bước vào lớp 1 tránh cho các em sự lo lắng về điểm số khi mới bỡ ngỡ bước vào học ở môi trường mới. Với cách đánh giá này các giáo viên càng phải quan tâm và chú ý tới HS nhiều hơn thì mới ghi nhận, đánh giá chính xác những tiến bộ của các em. Mặt khác, phụ huynh cũng cần sát sao với việc học tập của con hơn để nắm được lực học cũng như những đơn vị kiến thức mà trẻ còn hạn chế để động viên giúp đỡ con tiến bộ.

 

Hướng tới giờ học thân thiện

 

Theo Bộ GD&ĐT, trong năm học này sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS. Thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của GV về những nội dung HS đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ HS kịp thời.

 

Việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải được bắt đầu từ tất cả các bậc học. Ngoài vấn đề đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học thì vấn đề đánh giá học sinh cũng phải được nhìn nhận ở góc độ rộng hơn. Hay nói cách khác chúng ta phải đổi mới đồng bộ ngay từ những công việc cụ thể trong quá trình dạy học. Bên cạnh việc đánh giá bằng điểm số mà lâu nay chúng ta vẫn áp dụng thì điều quan trọng hơn là ngay trong quá trình đánh giá phải tạo cho HS có tâm thế tốt để hào hứng đón nhận những kiến thức mới. Tùy theo đặc điểm các bậc học mà chúng ta lựa chọn một cách đánh giá tích cực cho phù hợp. Đó cũng chính là tạo cho HS có một môi trường học tập thân thiện.

 

 

Cần phải nhìn kiểm tra đánh giá dưới góc độ rộng hơn. Hiện tại, chúng ta mới đánh giá học sinh học được cái gì. Bây giờ theo quan điểm mới, kiểm tra đánh giá trước hết phải làm cho học sinh học tốt hơn. Phải làm cho học sinh tự đánh giá bản thân để thông qua đó kiểm soát được quá trình học tập. Khâu cuối cùng mới là kết quả. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến khâu cuối cùng mà không để ý hai khâu trên. 

                                                                                Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển