Khi giáo viên được giao quyền sáng tạo

10:31, 29/08/2013

Năm học 2013 – 2014, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm chương trình giáo dục nhà trường. Nhiều giáo viên bày tỏ cảm nhận thú vị về chương trình và cho rằng, chắc chắn điều này sẽ tạo cảm hứng cho người dạy vì họ được giao quyền sáng tạo.

Hào hứng với cái mới

 

Thầy Nguyễn Hồng Lĩnh, đại diện nhóm Vật lý của Trường Thực nghiệm tại Hội thảo tập huấn phát triển chương trình nhà trường phổ thông vừa diễn ra tại Hà Nội cho biết, với sự cố vấn của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhóm đã xác định được quy trình xây dựng chương trình nhà trường cho bộ môn Vật lý. 

 

Theo đó, bước đầu tiên là xác định mục tiêu môn học. Sau đó, tiến hành rà soát chương trình, sách giáo khoa hiện hành và xây dựng ma trận về mục tiêu và nội dung. Bước tiếp theo, nhóm ngồi lại bàn thảo để cùng điều chỉnh nội dung sao cho hướng tới mục tiêu dạy học và tiếp tục hoàn thiện ma trận để tiến đến việc mô tả chủ đề và khung thời gian. Cuối cùng là xây dựng chương trình khung cho từng khối, nói cách khác là xác định cái nhìn tổng quát về dạy học, dạy cái gì, dạy như thế nào, đánh giá ra sao... Sau khi đã được khung chương trình, các giáo viên lại cùng xây dựng phân phối chương trình thống nhất chung.

 

Đại diện cho bộ môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cô giáo Lê Thị Thu lựa chọn giải pháp phát triển theo 2 chủ đề. Chủ đề thứ nhất là bám sát sách giáo khoa. Chủ đề này được xây dựng trên 3 nguyên tắc: Tuân thủ và tôn trọng chương trình của Bộ GD&ĐT; phải đảm bảo được đặc trưng bộ môn, những kiến thức khó sẽ được lược bỏ; hướng đến phát triển năng lực trọng tâm và năng lực nhận thức lịch sử khoa học của học sinh.

 

Chủ đề thứ 2 nhóm thiết kế là chủ đề học tập mới. Nguyên tắc thiết kế của chủ đề này là không xa vời, phải phù hợp và làm sâu sắc, nâng cao nội dung các môn học; các chủ đề thiết kế mới phải hướng tới năng lực thực hành bộ môn; làm đa dạng các hình thức dạy học ở trên lớp. Tư tưởng bao trùm trong chủ đề Lịch sử là đề cao phần lịch sử xã hội, phần này được bổ sung làm phong phú và giảm bớt thời lượng cho những lịch sử chính trị, quân sự khô khan.

 

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, đại diện nhóm tiếng Anh – Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc thì cho biết, nhóm đã tiến hành rà soát lại chương trình sách giáo khoa hiện hành; đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong việc giảng dạy, trong nội dung chương trình; đánh giá kết quả học tập của học sinh và dựa vào hướng dẫn giảm tải của Bộ GD&ĐT. Từ đó, tiếp tục điều chỉnh những nội dung kiến thức trùng lặp. Đồng thời, điều chỉnh nội dung bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa không thuộc nội dung của chương trình, hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi; điều chỉnh sắp xếp những nội dung trong sách giáo khoa cho hợp lý, linh hoạt, mềm dẻo; tăng cường các hoạt động ngoại khóa chuyên môn.

 

Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện chương trình thí điểm tại trường là học sinh miền núi thường rất nhút nhát, e dè, ngại nói, ngại giao tiếp bằng tiếng Anh. Một số học sinh bị hổng kiến thức từ những cấp học trước. Bên cạnh đó, học sinh chưa có môi trường thực hành tiếng tự nhiên và thường xuyên, đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, một số giáo viên ngại thay đổi... 

 

Cần hiểu chương trình nhà trường cho đúng

 

Nhiều giáo viên khi triển khai chương trình nhà trường phản ánh gặp khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu phòng học, thiếu máy tính... PGS. TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu cần đáp ứng đủ những cái đó sẽ không còn là chương trình nhà trường nữa. Chương trình nhà trường là với cái hiện có, với khó khăn ấy, cơ sở vật chất ấy, sách giáo khoa và chương trình ấy, các trường vận dụng như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, để làm tốt hơn, đạt hiệu quả khả quan hơn.

 

PGS. TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: Chương trình nhà trường bản chất là vận dụng tối đa sáng tạo trong phương pháp dạy học, trong tổ chức thực hiện; đồng thời lưu ý, vận dụng một cách mềm dẻo chương trình quốc gia vào đúng với đối tượng, hoàn cảnh, tạo hiệu quả cao hơn và đạt được mục tiêu giáo dục, như thế không phải là có hai chương trình mà vẫn là chương trình quốc gia nhưng được mềm hóa cho phù hợp với thực tiễn.

 

Về quy trình phát triển nhà trường, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý, cần nghiên cứu kỹ chương trình, SGK hiện hành; nghiên cứu kỹ bối cảnh, hoàn cảnh chương trình nhà trường của mình, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

 

Quy trình phát triển chương trình nhà trường chủ yếu tập trung vào khâu tổ chức, thay đổi phương pháp, cách tiếp cận để đạt được hiệu quả tốt hơn.