Sẵn sàng bước vào năm học mới

07:56, 22/08/2013

Với sự chuẩn bị chu đáo, tích cực đến thời điểm này Ngành giáo dục Thái Nguyên đã đảm bảo đủ điều kiện để sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới 2013-2014…

 Mạng lưới trường, lớp năm học 2013-2014 tiếp tục phát triển theo đúng chương trình giáo dục. Toàn tỉnh có 669 trường, trong đó mầm non: 215; tiểu học: 225; THCS: 184; THPT: 32; Trung tâm giáo dục thường xuyên: 10 và 3 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Năm học này, toàn tỉnh đón 47.130 học sinh vào các lớp đầu cấp, trong đó lớp 1: 18.747 em; lớp 6: 16.384 em và tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào lớp 10 đạt 90% với tổng số 13.296 học sinh (trong đó hệ bổ túc giáo dục thường xuyên là 1.297 em)

 

 

Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ (được xây dựng tại xóm 4, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) vào những ngày này, chúng tôi thấy không khí chuẩn bị cho năm học mới của Nhà trường rất khẩn trương. Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện nốt hệ thống sân chơi, lắp đặt thiết bị cho các phòng nội trú. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, thầy Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng phấn khởi: “Đây là năm đầu tiên Trường tuyển sinh học sinh vào học. Hiện nay, Nhà trường đang đốc thúc đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại để đúng ngày 5-9 tổ chức khai giảng. Về đội ngũ giáo viên, đến ngày 15-8, chúng tôi đã tiếp nhận 12 cán bộ, giáo viên về công tác. Địa bàn tuyển sinh của Nhà trường là toàn bộ học sinh tốt nghiệp tiểu học của 2 xã đặc biệt khó khăn là Tân Long và Văn Lăng, còn lại là 19 xóm thuộc 7 xã được hưởng Chương trình 135 của huyện Đồng Hỷ và Phú Bình. Năm học đầu tiên trường tuyển 2 lớp 6, 2 lớp 7 với 120 học sinh. Ngày 20-8, chúng tôi sẽ đón các em tập trung để chuẩn bị cho công tác khai giảng năm học mới. Điều lo lắng nhất của nhà trường hiện nay là bộ máy từ lãnh đạo đến cán bộ, giáo viên, quản sinh hoàn toàn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý học sinh nội trú. Trong khi đó, các em học sinh còn nhỏ, lần đầu tiên phải sống xa nhà sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Song dù khó khăn đến đâu, tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ…”.



Rời Đồng Hỷ chúng tôi đến Trường THPT Phú Bình. Những ngày này cả trường sôi động không khí chuẩn bị cho năm học mới. Niềm vui lớn nhất đối với thầy trò Nhà trường là vào dịp năm học mới này, Trường vinh dự được đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Thầy giáo Nguyễn Xuân Bách, Hiệu trưởng Nhà trường vui vẻ cho biết: Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian tổ chức dạy học bắt đầu từ ngày 12-8. Theo đó, Nhà trường tổ chức ký cam kết thực hiện đối với toàn thể học sinh và thầy, cô giáo; tổ chức rà soát, phân loại trình độ học sinh ngay từ đầu năm để áp dụng các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp đối với học sinh, trong đó đặc biệt chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém. Nhà trường cũng tổ chức rà soát lại toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc học tập như cửa phòng học, bóng điện, quạt mát, bàn ghế, trang thiết bị các phòng chức năng… để bổ sung kịp thời”.



Trao đổi với chúng tôi về công tác chuẩn bị cho năm học mới, đồng chí Bùi Đức Cường, Giám Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Năm học 2013-2014 ngành chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch thời gian năm học của UBND tỉnh. Theo đó, tất cả các cấp học tựu trường sớm nhất là mầm non, THCS, THPT vào ngày 5-8, tiểu học là ngày 19-8. Ngày 12-8 chính thức bắt đầu học kỳ I của cấp THCS và THPT, ngày khai giảng năm học mới áp dụng chung cho tất cả các bậc học là ngày 5-9-2013”.



Được biết, trong những tháng nghỉ hè, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ GD&ĐT tổ chức; đồng thời mở các khóa bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ ngắn và dài hạn cho giáo viên, cán bộ quản lý bậc tiểu học, THCS, THPT về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với từng cấp học. Điểm mới của công tác tập huấn năm nay là không theo chương trình định sẵn, mà căn cứ vào khảo sát của ngành, tập trung bồi dưỡng những vấn đề mà các cấp học đang còn thiếu hụt. Thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng giúp đội ngũ giáo viên có thêm kinh nghiệm, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, có điều kiện thử nghiệm những phương pháp mới trong giảng dạy... Đặc biệt, để thực hiện tốt lộ trình dạy tiếng Anh theo Đề án 1400 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên đào tạo 300 giáo viên tiếng Anh từ tiểu học đến THPT theo khung năng lực tiêu chuẩn châu Âu để đủ điều kiện dạy học bộ môn này. Cùng với đó, Sở GD & ĐT quan tâm đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các trường học tiến hành kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tập trung tu bổ, sửa chữa, xây mới những phòng học, những hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Chỉ đạo các nhà trường tổ chức tốt công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) từ những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7. Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học quán triệt đến toàn thể giáo viên nghiêm cấm việc tổ chức dạy trước trẻ khi vào lớp 1, thực hiện nghiêm túc quy định về những khoản thu ngay từ đầu năm học mới.

 


Để thực hiện thắng lợi chủ đề của năm học, đồng chí Bùi Đức Cường cho biết thêm: “Ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục. Tăng cường công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo tất cả các nhà trường đều phải có chiến lược, kế hoạch năm, tháng, tuần thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động nắm tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác thanh tra chuyên môn, kiểm tra đột xuất. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục. Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng các nhà trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, đánh giá trung thực kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, chuẩn hoá các yếu tố đầu vào, đầu ra của các cơ sở giáo dục.