Tạo sự công bằng trong giáo dục

14:33, 28/08/2013

Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ) những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của thầy và trò Nhà trường chuẩn bị cho năm học mới.

Thầy giáo Hoàng Kim Đỉnh, Hiệu trưởng Nhà trường vui mừng nói: “Theo kế hoạch năm học do UBND tỉnh ban hành, Nhà trường đã tổ chức học chính khóa từ ngày 12-8. Các em học sinh (HS) đều đi học đầy đủ. Nhờ có chính sách xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú của tỉnh mà tỷ lệ HS huy động ra lớp đạt cao. Các em có khoảng cách từ nhà đến trường trên 5km, không thể đi về trong ngày đều được hỗ trợ tiền ăn theo quy định. Nhờ vậy, từ năm học 2011-2012 đến nay, không có HS nào bỏ học. Chúng tôi còn vận động được 10/14 cháu bỏ học từ những năm trước ra lớp. Nhiều nhà có tới 3-4 con đang học ở trường này”.

 

 

Tại Khu ký túc xá của Nhà trường, chúng tôi gặp em Vương Thị Sầu, ở xóm Mỏ Ba, học sinh lớp 8A, đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Vừa vo gạo, Sầu vừa kể: Nhà em có 10 anh chị em, thì có 4 anh chị em đang theo học tại Trường. Chúng em ở nội trú, tự nấu ăn. Khi Nhà trường phát tiền ăn cho HS, bố mẹ em xuống lĩnh, rồi về chia đều ra. Mỗi tuần mẹ cho 4 anh chị em 200 nghìn đồng để mua thức ăn. Chiều thứ 6, chúng em về nhà, chiều Chủ nhật xuống Trường mang theo gạo, củi, rau ăn…”. Các bạn khác ở cùng phòng với Sầu như Vương Thị Chung, Vương Thị Mầu nhà cũng có từ 2-3 anh em ruột học ở đây. Ngoài điểm trường chính ở khu trung tâm của xã, thì Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tân Long còn có 1 điểm trường ở miền Sa Lung cách UBND xã 7km. Điểm trường này tạo điều kiện cho con em các xóm Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong, Lân Quan theo học. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đồng Hỷ khẳng định: Với việc đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã góp phần huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường và đảm bảo duy trì sĩ số, cải thiện chất lượng giáo dục, góp phần củng cố vững chắc kết quả công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học, THCS, từng bước phổ cập giáo dục bậc THPT.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục, đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) cho biết: Thực tế hiện nay, ở những xã miền núi, vùng cao, đội ngũ cán bộ người dân tộc có trình độ cao còn thiếu, mặt bằng chung dân trí thấp, do vậy, kinh tế - xã hội chậm phát triển so với các vùng khác. Những năm qua, ngành Giáo dục rất tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp ở các xã vùng sâu, vùng xa nói chung, trường nội trú cho con em đồng bào các dân tộc nói riêng. Tuy nhiên, số con em đồng bào các dân tộc thiểu số được vào học các trường nội trú không nhiều, chủ yếu các em vẫn học tại trường ở sở tại. Việc đi lại ở các xã khó khăn nên tỷ lệ học sinh bỏ học ngang chừng, cũng như tốt nghiệp THCS mà không học tiếp THPT còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng tiếp 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ và Phú Lương và thành lập 9 trường phổ thông dân tộc bán trú ở cấp tiểu học và THCS ở Võ Nhai và Đồng Hỷ.

 

Hiện nay, 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ cơ bản đã hoàn thành, quy mô của mỗi trường là 250 học sinh. Tổng mức đầu tư xây dựng 3 trường là hơn 111 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và  đào tạo. Tính từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã được đầu tư khoảng 160 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm học mới này, ngành Giáo dục tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà nội trú cho 3 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS thuộc các xã Thần Sa, Sảng Mộc (Võ Nhai) và Tân Long (Đồng Hỷ)...

 

Việc tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú nhằm tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội học tập, vươn lên... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho các xã, đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục.