Hôm nay mùng 5-9, Ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường, cũng là ngày đầu tiên bắt đầu năm học mới. Tiếng trống khai trường chính thức vang lên với bao hoài bão…
Đã đi qua thời cắp sách lâu lắm rồi, nhưng cứ đến mùa tựu trường, nghe tiếng trống thân quen tôi lại bồi hồi, bâng khuâng lạ và những kỷ niệm xa xưa ào ạt dắt nhau về. Ấy là một sớm mùa thu tinh sương, tôi lũn cũn theo chân mẹ đến trường bắt đầu một năm học mới. Cái thời của tôi và của nhiều người nữa bước vào lớp một không giống như bây giờ. Chẳng có buổi học nào trước, chẳng có tập dượt cho lễ khai giảng nên ngày đến trường đầu tiên điều gì cũng mới lạ, cũng háo hức say mê. Lễ khai giảng năm lớp một của tôi không có bóng bay thả khát vọng lên trời, không có những bộ đồng phục xúng xính, không có cờ trong tay vẫy chào đại biểu nhưng không khí khai trường đầy luyến nhớ: Được đứng vào hàng ngũ chỉnh tề, được lặng yên chào lá cờ tung bay trước gió tự dưng thấy lòng háo hức, thấy mình khác hẳn mọi hôm. Trước ngày khai giảng cả tuần, tối bố mẹ chuẩn bị sách vở thì tôi cứ chạy ra chạy vào hồi hộp. Những quyển vở giấy không trắng, dòng kẻ xanh mẹ bọc cẩn thận trong tờ họa báo mãi là dấu ấn trong tâm trí tôi. Nhãn vở chính tay mẹ cắt, trang trí cầu kỳ rồi dán, đề tên. Bộ sách giáo khoa cũ mèm vì đã qua tay các anh, các chị nhưng vẫn phẳng phiu, sạch sẽ cũng được bọc báo cẩn thận. Rồi bảng đen, phấn trắng… hầu như toàn là đồ dùng cũ nhưng vẫn làm tôi thích thú
Bây giờ khai trường không giống ngày xưa. Trong điều kiện đủ đầy học sinh cũng mang dáng hình mới. Tung tăng váy, áo tinh khôi, khuôn mặt sáng bừng trong trẻo, nhưng cái náo nức bâng khuâng hình như cũng chẳng còn. Ngay từ khi chuẩn bị vào lớp một, lũ trẻ đã bị ép học trước, phải biết những điều chưa cần biết. Trước ngày khai giảng là tập dượt, là làm quen với những lễ nghi nên bọn trẻ sớm dạn dày. Và ngày khai trường chẳng còn là ngày hội, chẳng có những mong chờ điều mới lạ vì lũ trẻ đã biết trước những gì sắp diễn ra…
Bâng khuâng trong nắng gió mùa Thu, miên man trong tiếng trống trường hối hả, năm nào thời điểm này toàn dân cũng hướng đến các nhà trường. Ấy cũng là điều dễ hiểu vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, đất nước tươi đẹp này chính các em sẽ tiếp tục dựng xây chứ nào đâu còn ai khác. Lại xúc động bồi hồi khi đọc lời dặn dò trong thư Bác: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…
Phần lớn công học tập của các em còn phần nhỏ là sự chăm lo của gia đình, nhà trường xã hội. Nhưng sự chăm lo ấy phải được định hướng đúng từ những ngày đầu tiên các em bước chân vào lớp học, mà điều ấy lại phụ thuộc vào người lớn chúng ta. Tôi và bao người thầm mong sao thế hệ con cháu chúng ta sẽ được hưởng một nền giáo dục toàn diện, không chỉ là cái chữ mà còn cả nết người, để bài học đầu tiên luôn “Có bóng hình núi sông… là bài ca yêu Tổ quốc…”