Trong cuộc sống, tính hai mặt của một vấn đề luôn luôn xảy ra và tồn tại như một quy luật. Nó hoặc là phát triển theo hướng tích cực, hoặc là đi đến giới hạn của sự hạn chế, tiêu cực. Công việc soạn giáo án để chuẩn bị một tiết lên lớp của người thầy cũng không nằm ngoài quy luật đó, một mặt sẽ là những giáo án được đầu tư nghiêm túc đảm bảo chất lượng, mặt khác là những bài soạn qua loa, đại khái, không có sự đào sâu tri thức.
Hiện tại, công việc này đang là vấn đề bàn luận hao tốn không ít giấy mực không chỉ của riêng ngành Giáo dục, mà còn là sự trăn trở của bất cứ ai quan tâm đến giáo dục hoặc ít nhiều liên quan tới giáo dục. Tuy nhiên xét đến tận cùng ý nghĩa của công việc soạn bài trước khi giảng dạy trên lớp, thì cái tâm của người thầy vẫn mang giá trị quyết định.
Soạn bài trước khi giảng dạy là một khâu chiếm số lượng lớn thời gian và là công đoạn quan trọng, một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động giáo dục của người thầy, vừa là để người dạy ôn lại kiến thức, hình dung ra các bước trong tiến trình bài giảng, định hướng trước nội dung kiến thức một cách chuẩn mực theo tính quy phạm riêng của ngành. Khi soạn bài, bên cạnh kiến thức cơ bản được tích lũy qua những năm tháng được học hành, đào tạo, đòi hỏi người thầy còn phải gửi gắm vào đó lối tư duy, sáng tạo riêng và những trải nghiệm của bản thân, qua đó giúp người học có thể tiếp cận một cách chính xác nhất những kiến thức khoa học.
Khi viết bài này, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi cặm cụi bên trang giáo án hàng đêm. Hơn 30 năm cống hiến trong ngành Giáo dục là hơn 30 năm mẹ tôi tối nào cũng vậy, khi thắp đèn dầu hay khi dùng ánh sáng điện, sau khi làm xong công việc nội trợ của người phụ nữ, mẹ tôi lại ngồi vào bàn và bắt đầu soạn giáo án. Không biết bao nhiêu ngòi bút đã mòn, bao nhiêu hộp mực đã vơi, bao nhiêu trang giáo án đã đầy con chữ, bao nhiêu thế hệ học trò đã “sang sông”…Với cách soạn bài truyền thống ấy, mỗi bài dạy của từng ngày, từng tháng, từng năm được soạn giảng tươi mới gửi gắm trong đó bầu nhiệt huyết, trí tuệ và tư duy sáng tạo của người thầy. Từng trang giáo án không chỉ chở nặng hành trang tri thức khoa học mà đi kèm với nó còn là nhân cách, đạo đức, là cái tâm của người thầy.
Cuộc sống hiện đại, máy tính đã trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ đắc lực cho công việc soạn giảng của người giáo viên. Do đó, một cách soạn giáo án mới ra đời, đó là dùng máy tính để soạn bài – soạn giáo án điện tử. Sẽ là rất bình thường và có ý nghĩa nếu như máy tính đơn thuần chỉ là công cụ thay thế cho cách viết tay của lối soạn bài truyền thống.
Song có một sự thật đáng buồn đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ trong dòng chảy của hoạt động giáo dục đó là mặt trái của công việc soạn giáo án điện tử - một giáo án có thể được dùng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giáo viên cùng bộ môn, cùng chuyên ngành. Trước sự bùng nổ của Internet, thông tin không còn là “của để dành” của riêng ai nữa.
Lên mạng, truy cập vào những trang có chức năng tìm kiếm, chỉ cần gõ một vài ký tự, một hai cái nhấp chuột là ta có thể tìm kiếm được vô vàn những thông tin cần thiết. Như thế, đồng nghĩa với việc một bài dạy được đưa lên mạng, nhiều giáo viên có thể sử dụng và hậu quả là sự sáng tạo của người giáo viên đối với bài soạn sẽ không còn nữa, người thầy sẽ mất đi sự chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức và truyền đạt kiến thức. Nguy hiểm hơn, bài soạn sẽ như một sự “nhai lại”, sẽ có cả một thế hệ phải gánh chịu hậu quả.
Có thể “con sâu làm rầu nồi canh”, một chút buông xuôi đối với căn bệnh lười của bản thân sẽ làm mất đi bao nhiêu giá trị ý nghĩa đích thực của chữ “thầy”. Trước thềm năm học mới, mỗi người chúng ta có quyền được hy vọng, được đặt niềm tin đối với các thầy cô. Để mỗi giờ lên lớp, trước những ánh mắt học trò ngây thơ và trong sáng, người thầy sẽ gửi vào bài giảng của mình những kiến thức thật, tư duy thật.