Chiều 11-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp (ĐH, CĐ, TC) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc thiểu số là: "Đoàn kết, bình đẳng, hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển" trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi, lấy nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo làm đòn bẩy; với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho những vùng bà con dân tộc sinh sống. Do đó, sau 6 năm, từ năm học 2007-2008 đến nay, tổng số học sinh được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 học sinh, so với tổng chỉ tiêu 14.602, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường TCCN trên 2.000 em, là con em của 55/63 tỉnh thành.
Trong tổng số 12.805 học sinh cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, có 83,9 % học sinh vào 72 trường ĐH; 16,1% học sinh vào 32 trường CĐ và 2.000 học sinh vào 25 trường TCCN. Đối với TCCN, hàng năm UBND tỉnh đặt hàng trực tiếp và trả kinh phí đào tạo cho các trường TCCN tại địa phương.
Trên địa bàn cả nước, các địa phương đã cử con em các dân tộc thiểu số thuộc 48/54 dân tộc đi học tại các trường. Cụ thể là: dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Hmông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%. Do các điều kiện khách quan, một số dân tộc trong 5 năm chỉ có dưới 10 học sinh cử tuyển như: dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Gié –Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lôlô và có 6 dân tộc chưa có học sinh cử tuyển như: Brâu, La Hủ, Lự, Ngái, Ơđu, Sila. Một một số dân tộc tỷ lệ học sinh cử tuyển ngày một tăng như: Vân Kiều, Chăm, Kháng, Pà thẻn, Tà ôi, Xinh Mun. Các dân tộc này từ trước năm 2006 chưa có học sinh được cử tuyển, nay đã được các địa phương cử đi học.
Số học sinh, sinh viên cử tuyển đã được bố trí vào học các trường ĐH, CĐ tập trung đăng ký vào học các nhóm ngành: sư phạm chiếm 23,03 %, Y tế chiếm 25,96 %, Kỹ thuật chiếm 15,55%, Nông lâm chiếm 12,91% Kinh tế chiếm 16,82% Xã hội nhân văn chiếm 5,11%, Nghệ thuật-TDTT chiếm 0,61%
Về bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường, theo báo cáo của các địa phương đối tượng học sinh cử tuyển trình độ ĐH, CĐ được tuyển sinh khóa học 2007-2008, trình độ cao đẳng khóa 2008-2009, thực hiện theo Nghị định 134 theo chế độ cử tuyển, đến thời điểm hiện tại, có 852 em được bố trí việc làm, chiếm 62,2% và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, việc xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thêm nữa, quá trình thực hiện việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng… Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về địa phương công tác, nhiều địa phương không cương quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không có chế tài nên khó thực hiện.
Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển, trong những năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ phối hợp với các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng chỉ tiêu hệ cử tuyển cho các vùng kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người. Bộ cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy hoạch đào tạo, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng; chuyển hướng tăng dần đào tạo hệ trung cấp và dạy nghề.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Nghị định 134/2006/NĐ-CP đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần đào tạo lực lượng cán bộ dân tộc thiểu số, tạo đà phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt kinh tế khó khăn.
Thứ trưởng cho rằng hơn 60% HSSV cử tuyển ra trường có việc làm là con số chưa thực sự hài lòng, vì việc cử tuyển là đào tạo theo địa chỉ rất rõ ràng, do đó nên chăng có cơ chế bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp, có thể không phải qua thi tuyển, chẳng hạn bố trí vào vị trí đã dự kiến từ trước khi đi học; thêm nữa, nhiều địa phương kiến nghị tăng số lượng người dân tộc Kinh vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Một vấn đề nữa, đa số sinh viên cử tuyển đều muốn vào những ngành nghề có sức hút và đòi hỏi trình độ cao như ngành y đòi hỏi một trình độ năng lực nhất định, nhưng trình độ sinh viên cử tuyển chưa đạt được dẫn đến khó khăn trong quá trình học tập thậm chí lưu ban, mất nhiều năm mới có thể ra trường. Do đó, Thứ trưởng đề nghị việc chọn ngành cần có sự tham gia của nhà trường chứ không chỉ từ phía sinh viên và địa phương, vừa để không mất cân đối ngành nghề, dễ phân loại sinh viên tốt hơn và để đảm bảo tỷ lệ thành công cho hệ sinh viên cử tuyển, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Về mức kinh phí đào tạo, Thứ trưởng đề xuất nên tăng mức học phí hỗ trợ để sinh viên cử tuyển yên tâm học tập, sinh hoạt, tạo tinh thần, động lực hoàn thành khóa học. Bên cạnh đó, các địa phương nên có bộ phận chuyên trách để phối hợp cùng với các trường đào tạo làm tốt công tác quản lý HSSV trong suốt quá trình học tập, rèn luyện đến khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần có kế hoạch sớm về nhân lực của những năm tiếp theo gửi sớm về Bộ để triển khai giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo đảm bảo thời gian theo quy định. Mặt khác, địa phương cần công bố công khai số lượng và tiêu chí tuyển chọn tạo sự công bằng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề xuất trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc nên chủ trì việc đào tạo cán bộ người dân tộc theo tinh thần Nghị định 134 và Bộ GD&ĐT là cơ quan phối hợp tổ chức đào tạo. Bộ cũng đã làm việc với Ủy ban Dân tộc để cân đối theo đề nghị của địa phương về tài chính, chỉ tiêu đào tạo, như vậy bớt phụ thuộc vào ngân sách địa phương, và sẽ tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương.