Đổi mới quản lý trường học để nâng cao chất lượng văn hóa

08:52, 14/10/2013

Hoạt động quản lý là hoạt động giáo dục quan trọng nhất, trong đó, điều hành hoạt động hiện nay phần lớn còn mang tính kinh nghiệm và “linh hoạt” theo phương pháp quản lý của người đứng đầu. Trong thực tế, việc người lãnh đạo sau hủy bỏ kế hoạch của người lãnh đạo trước cũng đã xảy ra.

Bởi vì, trong công việc thường có xu hướng “bắt tay ngay vào việc”, chưa chú trọng tư duy cao; việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo điều hành, kiểm tra đánh giá và thi đua khen thưởng còn nặng định tính chưa định lượng.

 

 

Cách làm này hiệu quả thấp, thiếu chính xác, không kích thích được thi đua. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng quản lý nói chung, trường học nói riêng thì người quản lý phải đổi mới tư duy - định lượng trong xây dựng kế hoạch, kiểm tra đánh giá và thi đua khen thưởng. 

 

Trong nhiều năm qua, phong trào đổi mới phương pháp dạy học gắn liền đổi mới công tác quản lý đã được triển khai rộng khắp trong toàn ngành giáo dục. Thực tế cho thấy, việc sử dụng phương pháp quản lý, xây dựng kế hoạch và định lượng hóa trong kiểm tra đánh giá - thi đua khen thưởng nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, lấy đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh làm trung tâm là động lực phát triển mạnh mẽ các trường học.

 

Song trong quá trình đổi mới cũng bộc lộ những khó khăn nhất định; việc làm này cần phải tiến hành đồng bộ giữa các tổ chức, đơn vị, toàn đội ngũ, đến học sinh toàn trường. Nếu chỉ tập trung đến đổi mới phương pháp dạy học mà không chú ý đến đổi mới phương pháp quản lý, đó là nâng cao năng lực quản lý bằng việc xây dựng kế hoạch, định lượng hóa trong chỉ đạo điều hành - kiểm tra đánh giá - thi đua khen thưởng làm đòn bẩy thì việc đổi mới phương pháp dạy học khó mang lại hiệu quả cao về sản phẩm là chất lượng giáo dục.

 

Chất lượng quản lý được hình thành từ trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Sản phẩm của đổi mới công tác quản lý là chất lượng văn hóa, chất lượng hạnh kiểm, chất lượng các phong trào thi đua. Warrd đã để lại cho đời một câu danh ngôn nổi tiếng về người thầy: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

 

Câu nói này không chỉ đúng cho người thầy mà còn đúng cho người quản lý giỏi vừa nói hay, giải thích giỏi, minh chứng đúng, khơi dậy niềm say mê, nhiệt thành của đội ngũ. Theo tôi, để thực hiện nâng cao năng lực quản lý ở trường THPT, trước hết phải đi từ đổi mới tư duy. Tư duy là cơ sở hình thành năng lực trí tuệ, là một trong những điều kiện để đạt tới các phẩm chất trí tuệ khác.

 

Trong công tác quản lý, tư duy sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, là một dạng tư duy độc lập tạo ra ý tưởng mới độc đáo và có hiệu quả giải quyết vấn đề cao. Những yếu tố của tư duy cần được bồi dưỡng là: Bồi dưỡng nhân cách sáng tạo; Bồi dưỡng lòng nhiệt tình say mê, lòng tin; Bồi dưỡng tinh thần dám nghĩ, dám làm chịu đựng gian khó; Bồi dưỡng tính khiêm tốn học hỏi vươn lên.

 

Bồi dưỡng năng lực tự quản lý cho người cán bộ quản lý cũng là công việc cần phải làm: Tự mình quản lý chính bản thân mình để lãnh đạo, điều hành đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Tự quản lý cũng đồng nghĩa với tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cần bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý cho cán bộ các cấp từ tổ trưởng, tổ phó trở lên đối với giáo viên và cả học sinh là lớp trưởng, lớp phó. Phân cấp, giao quyền, chế độ cho cán bộ các cấp.

 

Năng lực của người cán bộ quản lý thể hiện rất rõ ở việc đầu tư xây dựng kế hoạch, xây dựng các văn bản chỉ đạo; xây dựng một tập thể sư phạm đoàn kết, mẫu mực, tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thực sự là tấm gương sáng cho HS noi theo. Thu hút, đào tạo được nhiều giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi; lấy giáo dục mũi nhọn làm đòn bẩy để nâng cao chất lượng giáo dục.