Sự bão hòa cũng như việc nâng tiêu chuẩn bằng cấp trong tuyển dụng đã khiến cho ngành đào tạo sư phạm hệ cao đẳng và trung cấp giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) đang dần bị thu hẹp. Giáo viên giảng dạy và giáo sinh tốt nghiệp ra trường đều chưa xác định rõ tương lai đang là bài toán chưa có lời giải phù hợp.
Kết thúc năm học 2012 - 2013, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên có 10 sinh viên tốt nghiệp, trong đó bộ môn Âm nhạc có 6 sinh viên và bộ môn mỹ thuật có 4 sinh viên. Còn năm học 2011 - 2012, Trường chỉ có 6 sinh viên tốt nghiệp bộ môn Âm nhạc, bộ môn Mỹ thuật không có sinh viên theo học từ năm 2011. Chính vì số lượng thí sinh dự thi giảm nên đã ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh và dẫn tới năm học 2013 - 2014, Trường tuyên bố dừng không tuyển sinh ngành học này. Tương tự như trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc có chỉ tiêu tuyển sinh ngành học Giáo dục nghệ thuật là 100 sinh viên, nhưng đến nay mới tuyển được 13 chỉ tiêu, trong đó sư phạm Âm nhạc có 8 sinh viên; Sư phạm Mỹ thuật có 5 sinh viên. Trước đó, năm học 2012 – 2013, Trường cũng chỉ có 10 sinh viên theo học ngành Sư phạm Âm nhạc, không có sinh viên theo học ngành Sư phạm Mỹ thuật; năm học 2011 - 2012 cả hai ngành học này Nhà trường cũng chỉ có 32 sinh viên theo học. Nguyên nhân của sự rơi rụng dần thí sinh tham gia dự thi và theo học tại các trường này xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng trong các trường học (bậc tiểu học và THCS) đã giảm, sinh viên tốt nghiệp có rất ít cơ hội tìm kiếm việc làm.
Trở lại với những năm 2005 - 2006 về trước, khi đó các trường tiểu học và THCS đang tích cực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, vì vậy, đối với đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật phải được chuẩn hóa và chuyên trách, không kiêm nhiệm, nên nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Các trường: Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc luôn đạt lưu lượng mỗi khóa từ 500-600 sinh viên. Tuy nhiên, mỗi trường học cũng chỉ tuyển dụng từ 2-3 giáo viên là đủ. Chính vì thế, chỉ trong khoảng thời gian gần 10 năm qua, lực lượng giáo viên chuyên ngành này đã được các trường trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc tuyển đủ. Bởi thế đối với các trường đào tạo nguồn, lượng tuyển sinh tất yếu sẽ giảm, vì đào tạo mới mà không có yếu tố thay thế hay bổ sung trong tuyển dụng. Bên cạnh thực tế về nguồn cung đã vượt cầu thì vấn đề bằng cấp cũng ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh của hệ cao đẳng và trung cấp. Nếu như trước đây chỉ có hệ cao đẳng và trung cấp đào tạo ngành học này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thì đến nay Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cũng đã có các ngành học Đại học tiểu học, Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật… vì vậy, thí sinh sẽ lựa chọn tuyển sinh vào bậc học cao hơn để có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn.
Ông Hoàng Văn Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên phân trần: “Sự sụt giảm lượng tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp với ngành Giáo dục nghệ thuật là tất yếu khách quan, nhưng vấn đề là nhu cầu tuyển dụng của các bậc học, nhất là bậc tiểu học có nhất thiết phải lựa chọn ưu tiên bằng cấp cao như đại học… bởi lẽ, đối với bậc tiểu học, các em cần nhiều kỹ năng về thực hành và những khái niệm mang tính sơ khai và định hướng, thậm chí cả giáo dục tâm lý cho trẻ nữa, số giờ học môn này với bậc tiểu học lại không nhiều” . Còn ông Đỗ Quang Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc chia sẻ: “Cứ đà này sau 3 năm liên tục không tuyển sinh được, chúng tôi sẽ phải giải tán ngành đào tạo Sư phạm. Như vậy đồng nghĩa với việc phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, đây thực sự là vấn đề khó khăn, liên quan đến quyền lợi, chế độ của các thầy cô giáo. Bản thân ngành Văn hóa, nghệ thuật hiện tại cũng đã khó khăn tuyển sinh, nay sắp xếp lại đội ngũ cho phù hợp lại càng khó khăn hơn. Hiện tại, một số giáo viên có chuyên môn sâu, kinh nghiệm nhiều của trường vẫn “tranh thủ” tăng cường cho phía Trường Đại học Sư phạm” .
Qua khảo sát cho thấy, mỗi lớp học chỉ vài sinh viên, nhưng giáo viên vẫn phải lên lớp đúng, đủ số thời gian quy định; nhà trường vẫn phải bố trí đủ các điều kiện cần thiết để bảo đảm giờ học. Có thể nói, đây là một sự lãng phí không đáng có, nếu như cả ba khâu quy hoạch - đào tạo - tuyển dụng được triển khai đồng bộ.