Phân luồng sau THPT sẽ tạo nguồn tuyển sinh cho các trường nghề

17:22, 19/10/2013

Một thực tế hiện nay là hệ đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ((CĐ,THCN) và dạy nghề đang ngày càng khó tuyển sinh và hệ lụy là tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Những chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) với phóng viên Báo Thái Nguyên sẽ mang đến cho bạn đọc thêm một góc nhìn và phân tích những bất cập xung quanh vấn đề này.

PV: Theo thống kê của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên, lượng tuyển sinh của Trường từ năm 2010 đến nay, giảm dần đều, từ 1.400 xuống 1.200, rồi 700 và nay khoảng 600, ông có nhận xét gì?

 

PGS,TS Nguyễn Văn Bình: Đây là điều không thể nói là vui được. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì các trường hệ CĐ,THCN và dạy nghề sẽ dần bị thu hẹp và “khai tử”. Diễn biến vài năm trở lại đây đã khiến cho các trường này nằm trong tình trạng báo động “đỏ” về thừa thầy, thiếu trò. Không riêng gì Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên, tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh hàng năm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhiều hội thảo khác, các trường CĐ,THCN và dạy nghề đều gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân thì các nhà quản lý đều nhìn nhận thấy quy mô mở trường đại học, cao đẳng tại các địa phương, các ngành là tràn lan. Và một trong những hệ lụy là công tác tuyển sinh của các trường rối loạn, gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những bậc đào tạo CĐ,THCN và dạy nghề. Các trường đã tìm ra mọi cách để tuyển sinh, kể cả việc lách luật, vi phạm luật…, dẫm đạp lên nhau để tuyển sinh, sử dụng nhiều hình thức khuyền mại để thuyết phục, “mua” thí sinh…Vì có tuyển sinh được thì nhà trường mới tồn tại. Điều đó chứng tỏ công tác quản lý, điều hành vĩ mô trong toàn bộ hệ thống giáo dục có vấn đề. Lớn nhất là chưa tìm ra lối đi đúng, phù hợp cho ngành giáo dục, chưa xây dựng được chiến lược, sách lược phát triển hệ thống cho cụ thể, sát thực, phù hợp. Sau đó là đến các công tác quản lý, chỉ đạo với hàng loạt các văn bản bất cập, thiếu tính thực tiễn, tính thống nhất, chủ yếu có tác dụng “dập lửa”, giải quyết tình huống…

 

PV: Việc Bộ GD&ĐT xiết chặt đào tạo liên thông từ hệ THCN và dạy nghề, CĐ lên đại học phải chăng đã hạn chế cho công tác tuyển sinh của hệ CĐ,THCN và dạy nghề?

 

PGS,TS Nguyễn Văn Bình: Ngày 25/12/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học. Nhiều nhà giáo dục đã cho rằng tinh thần của Thông tư là đúng, nhưng Thông tư ra đời và lộ trình thực hiện trong thời điểm này là chưa phù hợp. Đồng thời chưa có giải pháp đồng bộ, thống nhất để giải quyết các hệ quả tiêu cực của Thông tư. Một trong hệ quả đó là công tác tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN và dạy nghề đã khó khăn thì càng gặp nhiều khó khăn hơn, càng khó tuyển sinh hơn rất nhiều do thí sinh không còn hứng thú khi con đường học liên thông lên các trình độ cao hơn gặp nhiều trắc trở. Trong khi thí sinh và các bậc phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về mục đích đào tạo của các bậc đào tạo này.

 

Xin được phân tích thêm về vấn đề này. Thứ nhất là vấn đề việc làm và phân công lao động: Trong vài năm gần đây, trước tác động khó khăn của kinh tế toàn cầu, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, nhất là lĩnh vực lao động được đào tạo trong hệ CĐ,THCN và dạy nghề khó tìm được việc làm ổn định, dẫn đến tâm lý phải học cao hơn mới có cơ hội tìm được việc làm. Chính điều này đã tạo ra tâm lý cho xã hội là bằng mọi cách phải thi đỗ đại học, nên thí sinh không mặn mà với hệ đào tạo CĐ, THCN và dạy nghề. Thứ hai là giữa đào tạo và tuyển dụng vẫn còn những tồn tại khi cung chưa gặp cầu: Đơn cử như trong một số loại hình lao động, không nhất thiết phải cần đến bậc học cao. (Xin nhấn mạnh là tính hiệu quả trong sử dụng lao động ở những công việc cụ thể). Điển hình như ngành GD&ĐT, với môn Giáo dục thể chất ở bậc tiểu học, môn Giáo dục nghệ thuật... không nhất thiết đào tạo bậc đại học, hay tuyển dụng ưu tiên đại học, vì hiện nay, mỗi môn học này mỗi lớp chỉ học có một tiết học/tuần và đánh giá kết quả học tập mới chỉ dừng lại ở mức đạt và không đạt... Thực tế trong đào tạo, mỗi bậc học đều có sứ mạng riêng, có thế mạnh riêng và có thị trường lao động riêng. Nhìn lại quan hệ giữa đào tạo và tuyển dụng, có thể thấy rõ bản thân các trường cũng đào tạo tràn lan và chưa tìm ra cho riêng mình những thế mạnh, hay có thể nói là thương hiệu riêng.


PV: Vậy trong tình hình hiện tại thì giải pháp nào để có thể tháo gỡ những khó khăn trong tuyển sinh, tìm ra lối thoát cho các trường CĐ, TCCN và Dạy nghề?
 

PGS,TS Nguyễn Văn Bình: Giải pháp đó chính là tăng cường phân luồng sau THPT, tạo nguồn tuyển cho các trường đào tạo các trình độ thấp.

 

Trong “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 711/QĐ-TTG, ngày 13/6/2012 đã nêu rõ 8 giải pháp để phát triển giáo dục. Trong đó đổi mới quản lý giáo dục là giải pháp đột phá. Nội dung nêu rõ: “Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống, đặc biệt là phân luồng sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nhân lực, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân”.

 

Nói chung, Chiến lược phát triển giáo dục cần phải được tổ chức triển khai thực hiện ngay, trong đó có công tác tăng cường phân luồng học sinh sau trung học phổ thông để tạo điều kiện thuạn lợi cho học sinh được tiếp tục tham gia quá trình đào tạo nghề nghiệp phù hợp với năng lực của bản thân. Đồng thời tạo được nguồn tuyển cho các trường đại học, CĐ, TCCN và dạy nghề, đảm bảo được chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đào tạo, người học có cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của mình. Đặc biệt giải quyết được tình trạng bế tắc về tuyển sinh hiện nay của các nhà trường. Công tác phân luồng này có thể được triển khai theo hướng làm tốt công tác phân loại học sinh tốt nghiệp THPT theo các loại: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình và yếu. Tuy nhiên phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Việc này liên quan tới công tác tổ chức, quản lý trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, đặc biệt là vấn đề kiểm soát nảy sinh tiêu cực. Sau phân loại sẽ có những quy định phân luồng cụ thể cho từng loại học lực và các điều kiện khác được tham dự tuyển sinh theo bậc học từ cao xuống thấp.

 

PV: Xin cảm ơn ông!