Sĩ số đông khó khăn cho cả thầy và trò

08:26, 31/10/2013

Những năm gần đây, hiện tượng quá tải cục bộ tại một số trường học ở thành phố không còn là chuyện hiếm gặp. Sĩ số học sinh (HS) trong lớp tăng gây khó khăn cho cả thầy, trò và liên quan đến chất lượng giảng dạy...

3 năm học gần đây, số học sinh lớp 1 của toàn tỉnh đều tăng. Cụ thể năm học 2011-2012, cấp tiểu học là 81.008 học sinh, khối 1 là 16.788 học sinh, thì năm học 2012-2013, cấp tiểu học tăng lên 84.729 học sinh, khối 1 là 18.807 học sinh, tăng hơn 2.000 học sinh.

 

Năm học 2013-2014, T.P Thái Nguyên dự kiến tuyển sinh đầu cấp tăng hơn so với năm học trước. Theo đó, số lượng tuyển sinh tiểu học là 4.734 HS, tăng 921 em so với năm học trước. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương có dân số tăng cơ học phải đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo chủ trương “3 tăng, 3 giảm”: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất các trường học; giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế sĩ số HS trên một lớp vẫn còn quá đông. Không hiếm gặp những lớp tiểu học với sĩ số 43, 45 HS. Với diện tích phòng học như hiện nay thì các dãy bàn chật kín cả lối đi thậm chí phải kê gần sát bục giảng.

 

Chị Nguyễn Thu Hằng có con học tại Trường Tiểu học Đội Cấn chia sẻ: Cách đây 7, 8 năm khi cậu con trai lớn bước vào trường tiểu học sĩ số lớp con chị chỉ có khoảng 40 HS/ một lớp. Vậy mà năm học này mặc dù được biết số lượng HS vào lớp một tăng nhiều nhưng khi nhập học cho con chị vẫn bất ngờ vì lớp lên tới 43 HS. Mặc dù mấy năm gần đây Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang nhưng theo chị với số lượng HS đông như vậy sẽ khó khăn cho việc học tập của trẻ. Lớp đông, giáo viên rất khó khăn trong việc kiểm soát và uốn nắn kịp thời từng HS trên lớp.

 

 

Chia sẻ về điều này cô Giang Thị Thếp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn khẳng định: Trung bình 3 năm trở lại đây mỗi năm Trường đều tăng thêm 1 lớp 1, bình quân 43 cháu/lớp. Hiện, toàn trường có 40 lớp với 1.759 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà trường đã tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như động viên các cô giáo cố gắng hơn nữa để làm tròn trách nhiệm giảng dạy và chăm sóc HS. Ở Trường Tiểu học Phú Xá tình trạng cũng tương tự. Năm học này Trường có 25 lớp với 947 học sinh thì riêng khối 1 tăng 2 lớp (gần 100 học sinh). Song trường này có thuận lợi là vẫn còn diện tích nên trong 3 năm học gần đây, Trường đã vận động phụ huynh đóng góp xã hội hóa xây dựng thêm được 1 nhà lớp học 2 tầng đảm bảo đủ chỗ học cho HS.

 

Hiện tượng quá tải cục bộ ở một số địa phương dẫn đến sĩ số lớp cao hơn nhiều so với quy định là có thật. Nguyên nhân chính là do dân số cơ học ở một số địa phương gia tăng mạnh, trong khi đó việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp không theo kịp. Đầu năm học, Bộ GD&ĐT cũng đã nhắc nhở các địa phương ngay trước các kỳ tuyển sinh song do nhu cầu thực tế và quỹ đất dành cho việc xây trường còn hạn chế nên dẫn đến bất cập về số lượng HS trong một lớp quá đông. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân từ phía phụ huynh đó là tâm lý bằng bất cứ giá nào cũng phải xin con vào trường điểm, lớp chọn, chính vì vậy khiến số HS tại một số trường tăng đột biến.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên cho biết: năm nay lứa tuổi sinh năm “heo vàng” (2007) vào lớp 1 nên số HS tăng hơn so với những năm học trước. Để giải quyết tình trạng này, Phòng chỉ đạo các trường tận dụng hết số phòng học để huy động tối đa các cháu vào lớp theo đúng tuyến. Giải pháp tách tuyến giữa các phường giáp ranh để cân đối lượng HS vào lớp 1 cũng đã được áp dụng, song do số lượng HS tăng nên hầu hết các trường trên địa bàn, nhất là những trường thuộc các phường trung tâm đều có số HS vượt so với quy định (ở cấp tiểu học không quá 35 em/lớp) của Điều lệ trường tiểu học.

 

Cô Hà Thị Thục Oanh, GV Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: Mấy năm trở lại đây trường tôi đều tăng trung bình 1 lớp/năm học, lớp trung bình 41 HS. Lớp 1B do tôi chủ nhiệm có 40 em, lẽ ra phải kê 2 lối cho HS, nhưng do số lượng HS đông nên chỉ kê được một lối đi, việc di chuyển của giáo viên, HS trong giờ học rất hạn chế. Với số lượng HS trong một lớp đông, giáo viên sẽ rất vất vả trong việc quản lý lớp cũng như uốn nắn tới từng HS. Phần lớn chúng tôi thường phải tranh thủ trong những giờ học buổi chiều để quan tâm hướng dẫn tới những HS tiếp thu chậm hơn.

 

Để giải quyết bài toán giảm sĩ số HS trên mỗi lớp, bên cạnh việc các địa phương cần nghiên cứu, xem xét bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng thêm trường tại những nơi có đông khu dân cư, quy hoạch xây dựng khu dân cư mới thì các phụ huynh cũng cần đồng hành với nhà trường để thay đổi tư tưởng chọn trường, chọn lớp cho con em mình. Có như vậy mới tạo sự cân đối về số HS giữa các lớp trong một trường và giữa các trường trong một phường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.