Vang mãi lời căn dặn của Đại tướng

15:29, 10/10/2013

Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những ngày này, các thế hệ thày và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm hai lần được gặp, báo công với Đại tướng. Lời căn dặn của Đại tướng như vẫn còn vang vọng trở thành động lực để thầy và trò của Nhà trường tiếp tục phấn đấu xây dựng trường tiên tiến, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Từ hôm nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đào, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (từ năm 1988 đến 2004) dành nhiều thời gian để kể cho người thân, bạn bè và đặc biệt là các em học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc những câu chuyện về hai lần ông cùng các cán bộ, giáo viên, học sinh Nhà trường được gặp, báo công với Đại tướng. Mỗi lần kể chuyện, ông lại rưng rưng nước mắt bởi đã từ lâu, ông coi Đại tướng như người cha của mình.

 


Trong đó, lần đặc biệt nhất theo ông Đào là khi Đại tướng về thăm Nhà trường ngày 19-12-1991. Ông kể: Từ 8 giờ sáng ngày 19-12-1991, tôi nhận được thông báo của Văn phòng Tỉnh uỷ là buổi chiều Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ vào thăm Trường. Năm đó, Bác đã tròn 80 tuổi rồi mà vẫn quan tâm đến con em các dân tộc Việt Bắc. Chúng tôi giữ bí mật đến tận 10 giờ 30 phút hôm đó mới thông báo cho các thầy, cô giáo và học sinh. Khi tiếng loa vang lên lời thông báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Trường vừa dứt, tất cả học sinh, giáo viên mừng vui, học sinh nhiều lớp chạy ra sân hò reo rồi toả về khắp ngả của Nhà trường để dọn vệ sinh, trang trí lại lớp học đón Đại tướng.

 


Hơn 14 giờ, Đại tướng đến thăm Trường trước cả rừng cờ đỏ sao vàng vẫy chào và hò reo không ngớt đón chào. Trông thấy các em học sinh dân tộc mặc quần áo nhiều màu sắc, Đại tướng vui lắm. Ông nở nụ cười rạng rỡ, ôm hôn các em học sinh và nói chuyện với các em trên ngay sân trường bằng nhiều thứ tiếng. Đại tướng nói rất thành thạo tiếng Tày, Nùng, Thái và tiếng Dao làm cho các em học sinh vui và tự hào, nhiều em đã khóc vì xúc động. Đại tướng đã dặn dò Nhà trường cần phải tăng gia, chăn nuôi nhiều hơn để cải thiện bữa ăn cho học sinh; ngoài việc chăm lo cuộc sống cho các cháu, cần phải chú ý dạy thật tốt, hướng dẫn các cháu học thật tốt để sau này có đội ngũ cán bộ dân tộc giỏi về xây dựng bản làng, quê hương, đất nước. Trong sổ Vàng truyền thống Nhà trường, Đại tướng ghi: “Chúc Trường Phổ thông trung học Các dân tộc ra sức phấn đấu, dạy thật tốt, học và hành thật giỏi, trở thành một trong những trường trung học gương mẫu về mọi mặt của nước ta”.

 


Thực hiện lời dạy của Đại tướng, trong vòng 10 năm từ 1991 đến 2001, tập thể Nhà trường đã nâng quy mô giảng dạy từ 500 học sinh lên 1,4 nghìn học sinh; từ chỗ Trường không có học sinh giỏi, đã trở thành Trường có học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia; số học sinh thi đỗ đại học tăng từ 10% năm 1987 lên 78% năm 2000... Về chăm lo đời sống, học sinh được ăn ngày 3 bữa no, có đủ thịt, cá, được mặc đồng phục, mặc quần áo dạ hội, quần áo rét, chăn màn; nhà ở được sửa lại có công trình khép kín, bàn ghế, bảng được thay mới hiện đại hơn; Nhà trường khang trang hơn, to đẹp hơn…

 


Sau 10 năm, Nhà trường đã tổ chức về thăm, báo công với Đại tướng. Ngày 10-1-2002, đoàn giáo viên và học sinh tiêu biểu của các dân tộc, đại diện cho hơn 20 dân tộc thiểu số đã về Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng rất vui vẻ bắt tay, ôm hôn các cháu học sinh như những đứa con, cháu của mình đi xa mới về và khen ngợi Nhà trường đã làm tốt, có nhiều thành tích, đặc biệt Trường đã trở thành cánh chim đầu đàn của các trường dân tộc nội trú cả nước. Đại tướng nhắc các cháu học tốt hơn nữa, phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em một nhà. Ông cũng tặng cho Nhà trường quyển sách Tư tưởng Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam, nhắc lãnh đạo Nhà trường phải nghiên cứu và học tập, phổ biến cho các thầy, cô giáo và học sinh, học và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

 


Thực hiện lời dặn của Đại tướng, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách, vươn lên trụ vững và phát triển để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo được gần 30 nghìn học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, trong đó có 225 học sinh thuộc dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y,  236 học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia, trong đó có nhiều em đạt giải cao: Nhất, Nhì. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cán bộ giỏi, đảm đương các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương.

 

Như mong muốn của Đại tướng khi ông về thăm Nhà trường, ngày hôm nay, học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được học tập trong môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện. Dước mái trường này, các em không chỉ được được phổ biến tri thức nhân loại mà còn được dạy làm người tốt, được hoàn thiện nhân cách, được rèn luyện đạo đức để trở thành người có tài, có đức. Em Kiều Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 12A5 cho biết: Em và các bạn học sinh Nhà trường rất xúc động trước những câu chuyện lịch sử về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và câu chuyện về tình cảm của ông dành cho học sinh người dân tộc thiểu số của Nhà trường. Hình ảnh của ông sẽ mãi là động lực để học sinh Nhà trường vươn lên trong học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho Tổ quốc.

 


Trao đổi với chúng tôi, Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Kim Phương, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Câu chuyện về vị Đại tướng hết mực quan tâm, thương yêu học sinh người dân tộc thiểu số vẫn được các thế hệ thày và trò Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc kể lại như là một bài học, một định hướng để xây dựng, phát triển và phát huy truyền thống ngôi trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiếu số. Tiếc thương Đại tướng - người ông kính mến của các thế hệ học sinh Nhà trường, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của ông, xây dựng Nhà trường “trở thành một trong những trường trung học gương mẫu về mọi mặt của nước ta”.