Cách đây 43 năm, Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật miền Núi được thành lập với hai chuyên ngành: Trồng trọt và Chăn nuôi. Tháng 10-1973, theo đề nghị của Nhà trường, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (UBNNTW), nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT điều động bốn kỹ sư Kinh tế nông nghiệp về Trường và hình thành nên Tổ Kinh tế, trực thuộc Phòng Giáo vụ, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Thái Nguyên.
Bốn thầy giáo đầu tiên gồm: thầy Lý Lợi, thầy Trần Duy Từ, thầy Nguyễn Mộng Kiều và thầy Phạm Hoàng Tam. Những thầy giáo đầu tiên ấy với kiến thức, kinh nghiệm thực tế và lòng tâm huyết với nghề đã đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp đào tạo các kỹ sư kinh tế nông nghiệp của Nhà trường. Trong hai năm (1976-1977), Tổ Kinh tế được bổ sung thêm hơn mười giáo viên gồm những sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và Trường Đại học Nông nghiệp 2 (nay là Trường Đại học Kinh tế thuộc Trường Đại học Huế).
Ngay từ tháng 10-1976, Trường Đại học Nông nghiệp 3 đã tiến hành chiêu sinh khóa đầu tiên - Đó là lớp 1K - Kinh tế nông nghiệp còn gọi là lớp 8K, tương đương khóa 8 của Trường.
Những ngày đầu thành lập
Tháng 3-1978, Bộ Nông nghiệp ra quyết định thành lập Khoa Kinh tế Nông nghiệp trực thuộc Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, tiền thân của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh ngày nay. Thầy Dương Bá Mậu là Phó Chủ nhiệm Khoa và sau đó là Chủ nhiệm Khoa đầu tiên của Khoa Kinh tế Nông nghiệp.
Với đội ngũ giáo viên ít ỏi và hết sức non trẻ, các thầy, cô giáo phải vừa giảng dạy, nghiên cứu, học tập vừa đi thực tế để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay khi được phép đào tạo chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, Nhà trường đã giao cho Khoa Kinh tế nông nghiệp nhiệm vụ mở lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế bao gồm các cán bộ thuộc các ban, ngành của tỉnh Bắc Thái cũ.
Sau 5 năm đào tạo, năm 1981, Khoa Kinh tế nông nghiệp đã hoàn thành khóa học đầu tiên gồm hơn 50 sinh viên hệ chính quy mà sau này họ là những cán bộ nòng cốt ở các địa phương trên cả nước.
Hệ thống đào tạo chính quy của Khoa chỉ đáp ứng nhu cầu cán bộ quản lý từ cấp huyện trở lên, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ đại học cấp cơ sở hầu như không có. Vì vậy, từ khóa học 1982 - 1983, Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo hệ không chính quy, bao gồm các lớp cử tuyển, lớp hợp tác xã, các lớp hợp đồng. Hàng nghìn cán bộ được đào tạo theo hình thức này đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cán bộ quản lý cho các cơ sở sản xuất. Nhiều người đã trở thành cán của các bô, sơ, ban, ngành cũng như cán bộ lãnh đạo các cấp ở các địa phương.
Đất nước thống nhất năm 1975. Việc chuyển sang cơ chế quản lý thị trường có sự quản lý Nhà nước đã trở thành điều tất yếu. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp đòi hỏi sự thay đổi của hệ thống sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp. Toàn bộ thầy, cô giáo được đào tạo lại, tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, về Kinh tế thị trường ở trong nước và nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, đến năm 1994, Khoa Kinh tế nông nghiệp đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo mới đã được áp dụng ngay cho khóa 26 (khóa 19KT (1994-1998), đây là sự thay đổi mang tính bước ngoặt và về cơ bản chương trình này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đặc biệt Nghị quyết Đại hội VII (1991-1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chuyển đổi cơ chế quản lý làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước thay đổi về cơ bản, nhu cầu đội ngũ cán bộ quản lý rất lớn. Nắm thời cơ đó, Khoa Kinh tế nông nghiệp đã mở thêm ngành đào tạo Kế toán doanh nghiệp và Quản trị kinh doanh. Quy mô đào tạo hệ chính quy được mở rộng, đào tạo hệ không chính quy phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1995-2005, hàng vạn sinh viên được đào tạo, Khoa Kinh tế Nông nghiệp trở thành đơn vị mạnh và có vị thế xứng đáng trong đào tạo và nghiên cứu Khoa học của Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Để đáp ứng yêu cầu Nhà trường đã chú trọng nâng cao chấy lượng đội ngũ giáo viên. Từ chỗ không có giáo viên nào đạt trình độ trên đại học khi mới thành lập, đến nay, gần như 100% giáo viên đã có trình độ thạc sĩ, nhiều người có trình độ tiến sĩ, có người trở thành phó giáo sư.
Vinh dự và tự hào
Năm 2004, Khoa Kinh tế Nông nghiệp được tách khỏi Trường Đại học Nông - Lâm, được điều chuyển về Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh lấy tên là “Khoa Kinh tế”.
Hiện, Khoa đã xây dựng được 7 bộ môn: Kinh tế học; Kinh tế đầu tư; Kinh tế phát triển; Thống kê - Kinh tế lượng; Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế Ytế; Kinh tế Quốc tế. Trong năm học tới (2013- 2014), Khoa sẽ thành lập thêm hai bộ môn: Kinh tế Giáo dục và Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. Khoa hiện có 14 giảng viên là nghiên cứu sinh, trong đó có 4 nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài; hơn 20 giảng viên theo học chương trình cao học trong nước và ngoài nước.
Trong giai đoạn 2004 - 2013, mỗi năm Khoa đào tạo hơn 1.000 sinh viên, hơn 300 học viên cao học và hàng chục nghiên cứu sinh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh. Trong suốt 35 năm, Khoa đã thực hiên 25 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ. Từ năm 2010 đến nay, Khoa Kinh tế đã nghiên cứu và báo cáo một số vấn đề về Biện pháp đẩy lùi lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề Bảo hiểm Y tế Việt Nam theo đề nghị của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Kết quả nghiên cứu và đề xuất của khoa đã được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao.
Từ cái nôi của Khoa Kinh tế, nhiều thầy, cô giáo đã trở thành các nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà quản lý như: thầy Nguyễn Hữu Hải hiện là PGS.TS, Trưởng khoa Quản trị Hành chính của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; thầy Trần Chí Thiện là PGS.TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên; thầy Nguyễn Khánh Doanh là PGS.TS, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên…
Cũng từ cái nôi của Khoa Kinh tế, hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhiều người thành đạt và trở thành các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, thành…, như anh Đinh Quang Ấn, Lớp trưởng lớp tại chức khóa 1, nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên; chị Hoàng Diệu Tuyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; chị Hoàng Thị Tảo, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn… Họ chính là niềm vinh dự, tự hào góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp của Khoa.