Đó là chia sẻ của cô giáo Hà Thị Son, Hiệu trưởng Trường THCS Quy Kỳ (Định Hóa). Cô Son đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo viên.
Chúng tôi đến trường THCS Quy Kỳ đúng lúc cô Son dự giờ thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, có dịp trò chuyện với các giáo viên khác, chúng tôi biết thêm về lòng say mê, yêu nghề của cô Son. Tốt nghiệp khoa Sư phạm Sinh - Hóa, Trường Sư phạm 10+3 (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên) năm 1981, cô Son được phân công về công tác tại huyện Đại Từ, sau đó chuyển về Trường THCS Trung Hội (Định Hóa) và từ tháng 10-1985, cô về Trường THCS Quy Kỳ giảng dạy và gắn bó với Trường cho đến nay.
Cô Son cho biết: Điều trăn trở lớn nhất của tôi là luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục trong Nhà trường, làm cho học sinh thực sự thấy vui, thấy thích đến trường. Năm 2000, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường THCS Quy Kỳ vào năm 2004. Với cương vị mới, cô luôn trăn trở tìm nhiều sáng kiến, giải pháp giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảch khó khăn vươn lên trong học tập, tìm giải pháp phụ đạo, kèm cặp học sinh yếu kém. Năm học 2011-2012, cô đưa ra sáng kiến “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ Trường THCS Quy Kỳ” và đã được Hội đồng Khoa học Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa xếp loại A. Năm học 2012-2013, cô tiếp tục hoàn thiện sáng kiến mang tên “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Trường THCS Quy Kỳ” và được xếp loại B.
Qua áp dụng những sáng kiến trên đã góp phần không nhỏ vào việc cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường, nâng cao chất lượng chuyên môn, đạo đức của đội ngũ giáo viên Nhà trường. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, từ năm 2010 đến nay, cô còn cùng với các thầy, cô giáo trong Trường đã vận động phụ huynh thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong trường học. Mỗi năm, cô vận động phụ huynh đóng góp xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất của Nhà trường. Cụ thể như: Năm 2010, phụ huynh đóng góp công sức, tiền của xây dựng các bồn hoa, cây cảnh trong trường; năm 2011, cải tạo khu vực nhà kho; năm 2012; xây dựng khu vực sân khấu ngoài trời. Nhờ đó, đến nay, cơ sở sở vật chất của Trường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và các em học sinh.
Cô giáo Luân Thị Thi, giáo viên Nhà trường cho biết: Cô Son không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là nhà quản lý mẫu mực. Cô luôn hết lòng giúp đỡ các thầy, cô giáo trong Trường không chỉ về chuyên môn mà cả những khó khăn trong cuộc sống. Với các em học sinh, cô luôn chu đáo, chỉ bảo tận tình, nhẹ nhàng và đúng mực nên học sinh rất quý mến.
Được biết, Trường THCS Quy Kỳ thuộc xã vùng cao, vùng 135 của huyện Định Hóa, học sinh chủ yếu là dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế nhưng với trách nhiệm là nhà quản ly, cô Hà Thị Son luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp phong trào dạy và học trong Trường từng bước nâng cao chất lượng, luôn giữ được nề nếp, kỷ cương. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Trường vinh dự đón nhận 14 Bằng khen của các Bộ, ngành Trung ương, 8 năm gần đây liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc; năm học 2010-2011, Trường được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Trường cũng vinh dự là trường đầu tiên trong khối THCS của huyện đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba trong năm nay.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn","người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, mỗi người thầy giáo phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, thực sự vừa hồng vừa chuyên, cô giáo Hà Thị Son đã hình thành cho mình đức tính tư học, và sáng tạo, tận tụy với nghề. Nhờ đó, trong suốt quá trình công tác, bản thân cô đã đạt được nhiều thành tích: Nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng “Gia đình nữ cán bộ viên chức lao động tiêu biểu” 5 năm 2007-2012; được Sở GD&ĐT tỉnh khen thưởng: Có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2012; được Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007-2012.
Cô Son khiêm tốn khi nói về thành tích của bản thân. Với cô, được cống hiến cho nghề, được đứng trên bục giảng tham gia giảng dạy cho các em học sinh thân yêu chính là một vinh dự lớn của bản thân, nó giúp cô thỏa niềm đam mê được truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học sinh. Chia sẻ về nghề, cô Son tâm huyết: Tôi cũng như các thầy, cô giáo trong trường xác định, để làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng về kiến thức và tư cách làm người để học sinh noi theo thông qua các giờ giảng trên lớp cũng như cách sống, cách cư xử của mỗi giáo viên trong đời sống hằng ngày”.