Nỗ lực vì sự nghiệp "trồng người"

08:02, 20/11/2013

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được nhân dân quý trọng và yêu mến.  Phát huy truyền thống ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nước nhà đã không ngừng phát triển. Những thành tựu mà ngành đạt được chính là nhờ lớp lớp thầy giáo, cô giáo của bao thế hệ đã tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc. Theo chiều dài lịch sử của dân tộc, người thầy giáo được bồi dưỡng, rèn luyện trong các phong trào, các cuộc vận động mang tính quần chúng rộng lớn với đặc trưng nghề nghiệp sâu sắc, từ đó có tác dụng giáo dục của tập thể và ý thức tự giác phấn đấu hoàn thiện của mỗi người. Đặc biệt, ngày 16-11-2007, tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đây chính là cụ thể hoá một cách sáng tạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Cuộc vận động này có sự đan xen, giao thoa với nội dung Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương -   Trách nhiệm” đang được triển khai trong ngành từ nhiều năm qua.

 

Với mỗi cuộc vận động, phong trào thi đua, lãnh đạo Sở GD&ĐT và Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã thành lập ban chỉ đạo, có các công văn liên tịch hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhằm mục đích làm cho đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản, các tiêu chí đánh giá và ý nghĩa tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo trong hoạt động giáo dục tại mỗi cơ sở. Từ đó mỗi cán bộ quản lý, giáo viên đều có ý thức tự học, từ rèn nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh. Qua 5 năm tổ chức thực hiện các cuộc vận động như: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm của mỗi năm học cho thấy hầu hết các nhà giáo đều có ý thức giữ gìn danh dự nghề nghiệp, khối đoàn kết trong trường học; giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương học sinh, chú trọng rèn luyện nêu gương. Nhiều nhà giáo đã không ngừng tự học tập, rèn luyện, sáng tạo trong quá trình dạy học góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD&ĐT. Qua bình xét thi đua hằng năm đã có nhiều nhà giáo có ý thức rèn luyện, phấn đấu để trở thành đảng viên.

 

Chỉ tính riêng năm học 2012-2013 đã có 1.266 công đoàn viên ưu tú được các nhà trường giới thiệu cho tổ chức Đảng và đã có 649 người được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nâng tổng số đảng viên toàn ngành lên 9.782 đồng chí, đưa tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành lên 49,51%. Việc tự học, tự rèn của đội ngũ nhà giáo, người lao động trong ngành tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần đưa trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày một nâng cao. Đến nay, trong tổng số gần 18 nghìn cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn của các cấp học, bậc học đều bằng hoặc cao hơn bình quân chung của cả nước. Cụ thể, cấp học Mầm non là 44,2 (cả nước 50,81%), tiểu học 80,5 (cả nước 63,3%), THCS 54,2% (cả nước 48,28%), THPT 14,6% (cả nước 7,93%)….

 

Việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý ngày càng được tăng cường và đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, 100% số trường THPT, THCS, 30% trường mầm non, 80% các trung tâm có trang Webside. Số đề tài, sáng kiến kinh nghiệm phục vụ việc cải tiến, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả đào tạo ngày càng nhiều. 5 năm qua đã có 15,072 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm và 105.247 đồ dùng thiết bị dạy học được các giáo viên toàn ngành làm mới cũng như cải tiến, sửa chữa phục vụ công tác giảng dạy.

 

 

Có thể khẳng định, thông qua việc thực hiện Cuộc vận động này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, sáng tạo trong các hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng thực chất hơn. Kết quả, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã có 18.764/19.237 cán bộ, giáo viên, nhân viên (97,54%) được đánh giá, trong đó xếp loại tốt chiếm tới 77,12%, khá 19,6%, đạt yêu cầu là 3,26% và cần cố gắng là 0,02%. Số gương điển hình tiêu biểu được suy tôn giới thiệu ở cấp cơ sở là 2.042 người. Qua tổng kết đánh giá, Ban chỉ đạo Cuộc vận động của ngành Giáo dục đã lựa chọn và tuyên dương 37 tập thể, 146 cá nhân điển hình tiêu biểu đại diện cho gần trên 19 nghìn lao động đang công tác tại 669 đơn vị cơ sở toàn ngành. Đây là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa giáo dục của tỉnh nhà đã và đang góp sức mình cho sự nghiệp cao cả, sự nghiệp “trồng người”.

 

Toàn ngành đang tập trung thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trước đòi hỏi của xã hội đối với người thầy ngày một cao. Đã là nhà giáo thì phải thường xuyên tự học, tự giác hoàn thiện mình để tăng hiệu quả dạy học và hoạt động quản lý; tự học còn nhằm để bồi dưỡng và làm chủ kiến thức để vận dụng hợp lý theo yêu cầu cơ bản, hiện đại và thực tiễn. Dịp kỷ niệm 31 năm truyền thống nhà giáo Việt Nam để mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động trong toàn ngành nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ đó coi việc học tập, rèn luyện, phấn đấu là nhu cầu tự thân vì sự học, sự dạy để tạo nên ý nghĩa cao cả của nghề nghiệp mà mỗi người đã và đang đeo đuổi gánh vác trọn đời.