Đó là nội dung buổi tọa đàm về xu hướng phát triển thư viện đại học, thư viện công cộng, được tổ chức ngày 23-11 tại Trung tâm Học liệu (Đại học Thái Nguyên) với sự tham gia của các chuyên gia Đại học Sim mons (Hoa kỳ), lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, cán bộ quản lý thư viện các trường đại học, cao đẳng và thư viện công cộng tại Thái Nguyên.
Đánh giá về thực trạng hệ thống thư viện hiện nay tại các trường và thư viện công cộng ở Thái Nguyên, các nhà quản lý và các chuyên gia đều có nhận định chung là: Văn hóa, thói quen người đọc đã có nhiều thay đổi, không còn đọc sách theo lối truyền thống mà người đọc khai thác thông tin, kiến thức khoa học theo nhiều phương tiện, phương thức khác nhau. Có những cuốn sách rất hay, tổng hợp nhiều kiến thức khoa học, nhưng bạn đọc có khi chỉ xem một vài trang cần thiết với họ. Một số thư viện công cộng có xu hướng trở thành những kho sách...
Các chuyên gia đại học Sim mons và nhà quản lý thư viện tại Thái Nguyên cho rằng: Trong xu hướng phát triển của xã hội, công nghệ thông tin bùng nổ, hoạt động thư viện cần tích hợp nhiều hình thức lưu trữ, sử dụng, hướng đến mục tiêu là tiện ích cho người đọc. Bên cạnh đó, thư viện cần có nhiều hoạt động phụ trợ khác, hướng người đọc theo chủ đề và giới thiệu sách theo nhiều hình thức, kể cả tích hợp phim, ảnh, video...
Kinh nghiệm hoạt động tại các thư viện lớn của Hoa kỳ, theo các chuyên gia, đó là phải có đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, họ có thể hướng dẫn người đọc những kỹ năng đọc và cách tiếp cận thông tin, tư liệu hiệu quả, hấp dẫn... Muốn đạt được những mục tiêu này, cần có sự đầu tư chiều sâu, trong đó vấn đề huy động vốn đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước là rất quan trọng.