Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp huyện năm học 2013-2014 đã kết thúc được khoảng 10 ngày nay nhưng với nhiều giáo viên và học sinh trực tiếp tham gia cuộc thi của Phú Bình thì dư âm của nó vẫn còn đọng lại với nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Riêng với 3 dự án đoạt giải Nhất và Nhì thì các chủ nhân đang rất tất bật để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình với hy vọng giành được thành tích cao tại cuộc thi cấp tỉnh được tổ chức tới đây.
Thầy Dương Thế Chí, giáo viên Toán, Trường THCS Tân Đức (Phú Bình): Đây là cuộc thi hoàn toàn mới mẻ với cả thầy và trò nhưng lại đầy hấp dẫn, thú vị. Tôi đang tiếp tục giúp 2 học sinh của mình hoàn thiện sản phẩm trên cơ sở góp ý của Ban Giám khảo để phấn đấu giành giải ở cuộc thi cấp tỉnh. Tôi tin, những cuộc thi tiếp theo sẽ ngày càng nhận được sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của cả thầy và trò các nhà trường. |
Em Dương Việt Hoàng, lớp 9A, Trường THCS Trần Phú (Phú Bình): Sau cuộc thi, em thầy bản thân trưởng thành hơn. Em sẽ tiếp tục thực hiện những dự án khác để làm quen với nghiên cứu khoa học. Đối với em, đây thực sự là cuộc thi có ý nghĩa. |
Đồng chí Nguyễn Thế Thụy, chuyên viên bậc THCS, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Phú Bình cho biết, Cuộc thi do Bộ GD-ĐT khởi xướng. Đây là năm thứ 2 Bộ phát động, tuy nhiên, ở năm học trước, cuộc thi chỉ triển khai ở bậc THPT, đến năm học này, mới phát động đến bậc THCS. Cũng như các địa phương khác, do là năm đầu tiên tham gia nên việc triển khai cuộc thi đến các trường trên địa bàn huyện còn có một số hạn chế nhất định. Trong số 21 trường của huyện, có 2 trường không đăng ký tham gia, 3 trường có đăng ký nhưng đến hôm tổ chức thi thì lại chưa hoàn chỉnh được sản phẩm.
Dù vậy, đây có thể xem là thành công bước đầu của huyện trong việc tổ chức một cuộc thi sáng tạo và đầy mới mẻ này, với tổng số 31 dự án, của 16 trường tham gia (trong đó có 4 dự án cá nhân, 27 dự án tập thể), thuộc 9/17 nhóm lĩnh vực mà Bộ đưa ra. Mỗi dự án được phép có tối thiểu 1 người hướng dẫn (đó có thể là giáo viên hoặc nhà khoa học). Dự án dự thi phải đảm bảo tính trung thực trong nghiên cứu khoa học, không sap chép, không sử dụng kết quả nghiên cứu của người khác; đối với những dự án dựa trên những nghiên cứu trước đây ở cùng lĩnh vực nghiên cứu phải chứng tỏ được những nghiên cứu tiếp theo là mới và khác với dự án trước… Trên cơ sở này, các trường THCS trên địa bàn huyện đã cho học sinh đăng ký tham gia với tư cách cá nhân hoặc nhóm (nhưng không quá 3 học sinh), từ đó, phân công giáo viên hướng dẫn. Trước khi tham gia cuộc thi cấp huyện, các trường đều tổ chức thi tại trường để chọn ra những dự án tốt nhất.
Cô Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (xã Điềm Thụy) Dương Thị Phương Thảo cho biết: Dù rất mới mẻ, nhưng Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm, chú ý và tham gia của đông đảo học sinh. Trường chỉ có 3 lớp 9, mà có tới 12 dự án tham gia. Sau khi chấm vòng sơ tuyển tại Trường, chúng tôi quyết định mang dự thi cấp huyện 2 dự án, gồm: “Thiết bị tận dùng nhiệt của bếp gas” và “Thuốc trừ sâu sinh học” và đều giành được giải Nhì. Với thành tích này, Trường được xếp thứ nhất toàn đoàn.
Nhìn vào sản phẩm 2 dự án của Trường, chúng tôi thực sự khâm phục sự tinh ý và sức sáng tạo của các em. Chỉ với ớt, tỏi, giềng, gừng và rượu, 2 em Vũ Ngân Hà và Lê Phương Thảo, đều học lớp 9A đã sáng tạo ra “Thuốc trừ sâu sinh học” với sự giúp đỡ của cô giáo Vũ Thị Thanh Thủy, nhằm thay thế thuốc trừ sâu hóa học, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Còn ở dự án “Thiết bị tận dụng nhiệt của bếp gas”, em Dương Việt Hoàng, cũng là học sinh lớp 9A với sự giúp đỡ của cô giáo Nguyễn Thị Hoa đã sáng chế thành công dụng cụ vừa giúp bếp gas đỡ tản nhiệt, vừa có thể làm nóng một nguồn nước khác chỉ với 1 ống nhôm đơn giản và một van nước.
Chia tay với các thành viên 2 dự án của Trường THCS Trần Phú, chúng tôi đến với nhóm tác giả dự án “Lồng bắt chuột” của Trường THCS Tân Đức - dự án đoạt giải Nhất tại Cuộc thi. Lồng bắt chuột trên thực tế đã có rất nhiều loại, nhưng nét độc đáo của Dự án này ở chỗ, thay vì chỉ bắt được mỗi lần 1 con chuột và dễ gây mất vệ sinh môi trường (chuột có thể bị chảy máu khi sập bẫy) thì lồng bắt chuột này lại có thể cùng lúc bắt được nhiều con, lại an toàn cho người sử dụng và cũng rất dễ làm, dễ sử dụng… Em Nghiêm Xuân Hiếu, người nảy ra ý tưởng này cho biết: Nhiều lần giúp mẹ nấu cám cho lợn, em thấy có nhiều chuột chui ra từ thùng đựng ngô. Tìm hiểu nguyên nhân, em nhận thấy, sở dĩ chuột có thể chui được vào là do mỗi lần quấy cám xong, mẹ em thường đặt que quấy cám trên nóc thùng. Chuột đã theo đường đó để chui vào.
Còn rất nhiều dự án được các em học sinh tham gia với ý nghĩa thiết thực, xuất phát từ chính thực tế cuộc sống hàng ngày của các em như: Khử khí độc ở bếp than tổ ong, Chổi thông minh, nước rửa bát thân thiện với môi trường, quạt hút côn trùng… Theo đồng chí Nguyễn Doãn Phú, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT, người trực tiếp tham gia chấm điểm tại cuộc thi KHKT của huyện Phú Bình cho biết: Tuy phần lớn các dự án mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, muốn trở thành dự án hay đề tài khoa học thực sự phải có sự đầu tư và tập dượt nhiều hơn nữa nhưng so với các địa phương khác, số lượng cũng như chất lượng của các dự án ở Phú Bình khá tốt và phong phú về lĩnh vực.
Thành công bước đầu của Cuộc thi sẽ là tiền đề quan trọng để các trường, mà cụ thể là học sinh và giáo viên có thêm kinh nghiệm cũng như động lực tham gia các cuộc thi KTKT lần sau, cũng như ở những cuộc thi khác. Cùng với đó nó sẽ là động lực khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống; góp phần đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học… Bởi thế, những cuộc thi như thế này rất được các cấp, ngành, các nhà trường và phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội quan tâm, ủng hộ.