Giải bài toán giữ chuẩn và nâng chuẩn ở các trường

16:49, 28/12/2013

Một trong những mục tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định: “Phấn đấu đến năm 2015, có 70% số trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: Giáo dục mầm non đạt 65%; Giáo dục tiểu học 100%; THCS 50%; THPT 20%”. Đến thời điểm này toàn tỉnh có 443 trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số 654 trường, bằng 67,7% (trong đó mầm non 130/215 trường; tiểu học 202/226 trường; THCS 99/181 trường; THPT 12/32 trường). Ngoài mục tiêu nâng cao số trường đạt chuẩn Quốc gia, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm là duy trì và giữ vững số trường đã đạt chuẩn, cũng như nâng chuẩn để đến năm 2015 hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đại Từ cho biết: Khó khăn lớn nhất trong công tác xây dựng trường chuẩn, cũng như đã đạt chuẩn đến thời hạn kiểm tra công nhận lại chính là tiêu chí về cơ sở vật chất thiết bị và công tác xã hội hóa giáo dục. Để đạt mục tiêu đến năm 2015 có 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia thì ngoài giải pháp là đầu tư về cơ sở vật chất để các trường đạt chuẩn là phải duy trì và giữ vững số trường đã được công nhận. Vì vậy, Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện để tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Trung bình mỗi năm ngân sách của huyện dành cho xây dựng trường chuẩn, duy trì và nâng chuẩn là trên 10 tỷ đồng. Với cách làm trên, trong 2 năm qua huyện Đại Từ có thêm 17 trường ở các cấp học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 77/98 trường, bằng 78,6%, trong đó có 4 trường mầm non, 5 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn mức độ II. Đây là cơ sở để các Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

 

Đến thăm Trường Tiểu học Hùng Sơn I, đơn vị đang dồn lực phấn đấu đến năm 2014 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ II, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường vui vẻ cho biết: Tháng 11- 2005, Trường tôi là một trong những đơn vị tốp đầu của huyện được công nhận đạt trường chuẩn Quốc gia. Theo lộ trình sau 5 năm, Nhà trường tự đánh giá và đề nghị cấp trên kiểm tra để công nhận lại. Song nếu kiểm tra không giữ vững và phát huy được kết quả của trường chuẩn thì đoàn kiểm tra có quyền tham mưu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xóa tên trong danh sách trường đạt chuẩn quốc gia. Vì thế mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên Nhà trường cũng rất lo lắng, làm thế nào để giữ vững và nâng cao chuẩn. Nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ giáo viên đủ mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, trong số 28 cán bộ, giáo viên 100% trình độ đào tạo trên chuẩn. Về công tác chuyên môn, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, vì thế tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm trên 80%. Về cơ sở vật chất, Nhà trường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Mức vận động mà Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh đưa ra được các phụ huynh đồng tình ủng hộ là mỗi học sinh một năm đóng góp 100 nghìn đồng để tu sửa phòng học. Đặc biệt, 2 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Dự án Núi pháo đã đầu tư xây dựng cho Nhà trường 12 phòng học với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng. Sau khi đối chiếu với các tiêu chuẩn của trường chuẩn, Nhà trường đã làm văn bản đề nghị cấp trên kiểm tra công nhận lại theo quy định.

 

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong công tác xã hội hóa giáo dục như Trường Tiểu học Hùng Sơn I, nhất là các trường ở địa bàn các huyện miền núi như Võ Nhai, Định Hóa. Chúng tôi trở lại Trường Tiểu học Lam Vỹ (Định Hóa) đây là ngôi trường cũng sớm được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (năm 2002) và năm 2009 đã được kiểm tra công nhận lại và tới đây (năm 2014) đến hạn phải kiểm tra công nhận lại.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, cô giáo Nguyễn Thị Nhượng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường không khỏi lo lắng: “Trường có 5 điểm trường nằm rải rác ở các xóm: Khau Viềng, Văn La, Tam Hợp, Cà Đơ và trung tâm xã, xóm Nà Sơn với tổng số 21 phòng học. Ngay ở điểm trung tâm xã có 8 phòng học thì đa phần đã xuống cấp. Các lớp học xây dựng cách đây 13 năm, nhiều phòng học vữa trát tường đã mủn, nền gạch bong, tấm lợp bị vỡ nhưng không dám thay vì các thanh xà gồ trên mái đã bị mục. Nhà trường đã báo cáo UBND xã, Phòng GD&ĐT, song đến thời điểm này vẫn không biết lấy nguồn ở đâu ra.

 

Đem những điều băn khoăn của lãnh đạo Trường Tiểu học Lam Vỹ trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Định Hóa, đồng chí Thái Văn Cương cho biết thêm: Toàn huyện có 20/24 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 6 trường đã được công nhận lại. Quả thực đối với các huyện miền núi thì nỗ lực để xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, duy trì và phát triển càng khó khăn hơn. Khó khăn nhất trong việc duy trì để được công nhận lại chính là tiêu chí cơ sở vật chất. Những năm gần đây, mỗi năm huyện cũng chỉ dành ra được từ 3-5 tỷ đồng để đầu tư cho các trường chuẩn bị đến lộ trình công nhận lại. Song số tiền trên phải rải đều cho nhiều trường. Việc huy động nguồn lực trong dân rất hạn chế bởi cuộc sống của người dân còn nghèo.

 

Trao đổi cùng chúng tôi đồng chí Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo khẳng định: Trong 3 năm qua, từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương và các nguồn lực khác toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hơn 1400 phòng học với tổng nguồn vốn trên 450 tỷ đồng. Trong đó, ngành tập trung đầu tư xây dựng phòng học, nhà công vụ cho giáo viên ở các trường thuộc các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số, các trường đang trong lộ trình để phấn đấu đạt chuẩn và chuẩn bị đến thời điểm kiểm tra để công nhận lại. Từ các nguồn lực này đến nay toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận lại 84 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 30, tiểu học 37, THCS 17, THPT 1) và điều chỉnh lại nâng chuẩn mức độ 2 cho 7 trường (mầm non 3, tiểu học 4). Tuy nhiên, sau khi Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 dừng lại thì các địa phương rất khó khăn trong việc bố trí ngân sách cũng như huy động các nguồn lực để đầu tư để các trường đạt chuẩn, cũng như duy trì chuẩn và nâng chuẩn. Vì vậy, tùy theo khả năng của từng vùng, các nhà trường phải chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới cũng như sửa chữa trường, lớp theo hướng chuẩn hóa, để đến thời điểm công nhận lại đã có đầy đủ các điều kiện theo quy định.