Tấm gương tận tụy trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học

09:40, 16/12/2013

Dù đã được nghỉ hưu hơn 10 năm nay, nhưng cứ vào đầu giờ làm việc của các ngày trong tuần, thậm chí cả thứ bảy, chủ nhật, dù nắng hay mưa, người ta vẫn thấy Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Văn Hộ đi xe máy từ nhà riêng đến Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên làm việc…

Trò chuyện với chúng tôi, Giáo sư tâm sự: “Có lẽ nhiều người nghĩ tôi già rồi đâm lẩm cẩm. Được Nhà nước cho nghỉ chế độ rồi thì nghỉ ở nhà mà hưởng thú vui của tuổi già, chơi với con với cháu. Tôi lại có suy nghĩ khác, đã được Nhà nước quan tâm đào tạo bài bản, trong thời gian tôi đi học ở nước ngoài thì các đồng nghiệp đã phải dạy thay mình. Giờ mình có trí tuệ thì phải tận tâm, tận lực vì sự nghiệp mình đã gắn bó. Việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở đây còn mang yếu tố tình con người đối với con người...”. Nhìn Giáo sư, không ai nghĩ năm nay ông đã bước sang tuổi 70, vì trông ông vẫn khá nhanh nhẹn, khỏe khoắn, đặc biệt tính cách rất trẻ trung và say mê công việc. Gần 50 năm lao động miệt mài và hăng say,Giáo sư đã cống hiến cho đời nhiều thành quả mà bạn bè, đồng nghiệp hết sức trân trọng.

 

Lên 9 tuổi, năm 1952, cậu bé Nguyễn Văn Hộ đã được chọn sang học ở Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc, đến năm 1956 về nước học tiếp chương trình phổ thông. Tốt nghiệp trung học năm 1960, do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, nhà đông em, là con cả trong gia đình, bố tham gia chống Mỹ nên anh phải ở nhà cùng mẹ làm ruộng và chăm sóc các em. Cũng trong năm này, gia đình anh chuyển từ xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc lên xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ khai hoang. 3 năm sau (1963), khi các em đã lớn hơn, kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn, anh quyết định làm hồ sơ dự thi đại học và đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dưới mái trường đại học, chàng sinh viên Nguyễn Văn Hộ không những học giỏi còn năng nổ trong các hoạt động của Đoàn trường. Hoàn thành xuất sắc khóa học, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Tiếp nhận công tác được 4 tháng, anh cùng 7 đồng nghiệp được điều lên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc giảng dạy.

 

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao thầy học chuyên ngành Toán lại được phân công về dạy Tâm lý giáo dục? Thầy cười hiền hậu: “Do thiếu giáo viên, Nhà trường phân công tôi về Tổ Tâm lý giáo dục dạy. Trước nhiệm vụ Nhà trường giao, tôi đã bắt tay ngay vào nghiên cứu các tài liệu và xin nhà trường cho đi học tiếp một số môn của chuyên ngành này tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.

 

Năm 1973, thầy đã có may mắn được cử sang học nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô về chuyên ngành Giáo dục học, được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến. Về nước năm 1977, thầy tiếp tục giảng dạy môn Tâm lý giáo dục. Có thể nói đây bắt đầu là quãng thời gian lao động khoa học đầy hào hứng của thầy. Trong quá trình giảng dạy, thầy đã chuyển tải những kiến thức có được tới các đồng nghiệp, cùng nhau xây dựng giáo trình bộ môn để mang lại hiệu quả cao cho môn học. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của bộ môn, Nhà trường, thầy đã được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục học. Đến năm 1984, thầy lại tiếp tục được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh cao cấp chuyên ngành Giáo dục học. Trở về nước, năm 1989, Thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, rồi Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Đại cương. Năm 1991, thầy được phong học hàm Phó Giáo sư, năm 2002 được phong Giáo sư…

 

Thật khó có thể kể ra hết các thành tích của Giáo sư -TSKH Nguyễn Văn Hộ. Trong mấy chục năm lao động bền bỉ và sáng tạo, Giáo sư đã đóng góp cho ngành Giáo dục hàng chục cuốn sách, các đề tài, chương trình, dự án khoa học - công nghệ và nhiều bài báo trên các Tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cuốn sách đầu tay thầy được Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành là cuốn “Cơ sở Sư phạm của công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông”, tiếp đến là cuốn “Thích ứng sư phạm” và “Ứng xử sư phạm”; “Lý luận dạy học”; “Giáo dục học đại cương”; “Hoạt động giáo dục hướng nghiệp và giảng dạy kỹ thuật trong nhà trường THPT”.... Thầy đã chủ trì nhiều đề tài, chương trình, dự án khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ. Tiêu biểu là đề tài nhánh cấp Nhà nước: “Trí thức miền núi” nghiệm thu năm 1995 đạt loại xuất sắc. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Giáo sư còn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trẻ.Mặc dù đã nghỉ chế độ, song hiện nay Thầy vẫn được Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và nhiều trường đại học ở Hà Nội mời tham gia giảng dạy, hướng dẫn các học viên, nghiên cứu sinh. Dưới sự dìu dắt, hướng dẫn tận tình của thầy, hàng chục cán bộ, giảng viên đã hoàn thành nhiều đề tài khoa học, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

 

Nói về Giáo sư Nguyễn Văn Hộ, cô Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tự hào: “Thầy sống rất chân tình mộc mạc, gần gũi với học trò. Thầy là tấm gương của sự tận tụy trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học”.

 

Tiếp xúc với thầy dù chỉ một lần song những ấn tượng tốt đẹp về thầy thì khó ai có thể quên được bởi ở thầy luôn toát ra sự chân thành, cởi mở. Chúng tôi cảm phục hơn khi được biết Thầy thông thạo tới 4 ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh, Pháp và ở chuyên ngành Tâm lý Giáo dục hiện nay, những giáo sư đầu ngành như thầy không phải là nhiều. Với những đóng góp của Thầy cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, GS - TSKH Nguyễn Văn Hộ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Nhưng còn một phần thưởng cao quý nữa mà thầy có được chính là sự kính trọng, lòng yêu quý của bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học sinh, sinh viên với những gì thầy đã cống hiến.