Mái nhà chung của những học sinh vùng khó

09:07, 25/01/2014

Với khuôn viên rộng gần 23.000 m2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ có không gian thoáng đãng, sân cỏ nhân tạo, nhiều cây bóng mát và những vườn rau xanh mướt. Cơ sở khang trang, hiện đại gồm khu Nhà hiệu bộ 3 tầng, nhà lớp học 2 tầng, ký túc xá 3 tầng, 10 phòng nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà học bộ môn và thư viện, bếp nấu cùng hệ thống các công trình phụ trợ. Đặc biệt, bằng tình yêu thương học sinh như con, các cán bộ, giáo viên Nhà trường đã khiến nơi đây trở thành mái nhà chung ấm ấp của những học trò nghèo.

Để được học tập tại ngôi trường này, ngoài điều kiện là con em các dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, trước đó các em phải đạt học sinh giỏi 5 năm liền, có đạo đức tốt. Toàn Trường hiện có 176 học sinh, hầu hết là con em đồng bào các dân tộc huyện Đại Từ, chỉ có 13 em đến từ 2 xã Bàn Đạt và Tân Khánh (Phú Bình). Các em được miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở, học...

 

Cô giáo Triệu Thị Mai Dung, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Do thay đổi môi trường sống và học tập nên ban đầu các em đều rất bỡ ngỡ. Để các em yên tâm và hòa nhịp với môi trường mới, ngoài việc đổi mới phương pháp dạy sao cho phù hợp, chúng tôi đặc biệt chú ý tới việc giúp các em làm quen với cuộc sống tự lập. Hướng dẫn các em từ việc nhỏ nhất như làm vệ sinh cá nhân, cách sử dụng đồ dùng, thiết bị trong phòng ký túc xá, đến cách giặt, gấp quần áo, sắp xếp góc học tập. Mỗi bữa ăn và giờ học buổi tối của các em đều có thầy, cô giáo hướng dẫn, chăm sóc. Ngày thứ Bảy, Chủ nhật, Nhà trường phân công có giáo viên ở lại Trường, tổ chức cho các em chơi các trò chơi và tham gia các hoạt động ngoài trời.

 

Kể tên đầu việc thì có vẻ đơn giản là vậy, nhưng để làm được những công việc đó đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có tấm lòng yêu nghề cao cả. Chúng tôi đến khu ký túc xá thấy phòng nào phòng nấy sạch tinh tươm, chăn màn gấp phẳng, quần áo, sách vở để gọn gàng đúng nơi quy định. Em Dương Hoài Linh học sinh lớp 7b chia sẻ: Hôm mới đến Trường, em nhớ nhà nên khóc, các bạn trong phòng cũng khóc theo. Cô giáo Hương đã lên đây an ủi, động viên chúng em, rồi cô giáo kể chuyện và hát cho chúng em nghe, cô còn cho bọn em chia đội thi hát, chơi trò chơi để vơi đi nỗi nhớ nhà. Ở đây tuy không có bố mẹ nhưng chúng em có các thầy, cô giáo yêu thương, tận tâm như người cha, người mẹ thứ hai. Còn em Tạ Thị Thương chia sẻ: Hôm mới xuống Trường được 2 hôm, em bị ốm không xuống ăn cơm được cô Dung mang cơm lên tận phòng bón cho em, lấy thuốc cho em uống. Cô lấy khăn ấm đắp lên trán em đến khi em không còn sốt cô mới về.

 

Cô giáo Phạm Thị Liên Hương, giáo viên dạy Toán - Lý của Nhà trường tâm sự: Gần 20 năm trước, chồng tôi mất, con gái của chúng tôi lúc đó mới 3 tuổi. Tôi cảm nhận sâu sắc những thiệt thòi của đứa trẻ khi thiếu bàn tay chăm sóc của cha hoặc mẹ. Chính từ hoàn cảnh gia đình mà tôi thêm thương các học sinh ở đây. Các em phải sống tự lập khi chỉ mới 11, 12 tuổi, vì thế tôi và các thầy, cô giáo, ngoài trách nhiệm của một người thầy còn dành cho các em tình cảm của người cha, người mẹ, với mong muốn mong bù đắp những thiếu thốn của các em.

 

Toàn Trường hiện có 33 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ, 88% có trình độ trên chuẩn. Các thầy, cô giáo của Trường đều là giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên, được điều động về từ các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Cô Dung cho biết thêm: Đội ngũ giáo viên của Nhà trường rất nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác. Các thầy cô đều có kinh nghiệm, nắm chắc chương trình và phương pháp giảng dạy cũng như quản lý học sinh nội trú, nên dù mới đi vào hoạt động từ năm học 2012-2013 nhưng kết quả dạy và học đã đáp ứng được nhiệm vụ đề ra. Năm học đầu tiên, Nhà trường đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến.

 

Nhằm khích lệ tinh thần học tập của học sinh, rèn luyện cho các em kỹ năng làm việc tập thể và tăng cường sự gắn kết giữa học sinh với giáo viên, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi học theo hình thức dã ngoại tại các địa điểm như Khu di tích lịch sử 27-7 (Hùng Sơn, Đại Từ), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (T.P Thái Nguyên), Khu di tích lịch sử - văn hóa Đặc biệt cấp Quốc gia ATK Định Hóa... Qua đó còn giúp các em hiểu sâu sắc và sinh động hơn về lịch sử, về nét văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền của đất nước.

 

Kết quả học kỳ I năm học 2013 - 2014, 95% số học sinh đạt học lực khá, giỏi; 100% các em có sức khỏe và đạo đức tốt; 11 em đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện…