Tăng cường triển khai và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

15:49, 10/01/2014

Sáng 10-1, Bộ Giáo dục và Đào trạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về bình đẳng giới của ngành Giáo dục. Tiến sỹ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Giáo dục chủ trì Hội nghị qua 6 điểm cầu trực tuyến là Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tại Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khu vực phía Bắc đã tham dự.

Đánh giá về kết quả thực hiện VSTBPN của ngành, trong hai năm qua (2012-2013), các sở GD&ĐT đã có nhiều quan tâm đến chương trình hành động và đạt được kết quả tốt. Đến nay, 47 sở GD&ĐT trong cả nước có giám đốc, phó giám đốc là nữ giới, số cán bộ nữ là cán bộ quản lý bậc học mầm non chiếm96%, tiểu học chiếm 53%, THCS chiếm 37%, THPT chiếm 28%... Tuy nhiên, ở các bậc đại học, sau đại học, số cán bộ quản lý là nữ chiếm tỷ lệ thấp (chỉ đạt 28%). Đánh giá chung của ngành Giáo dục nhận định: do cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quan tâm sâu sát, chưa thực hiện triệt để những chủ trương của Đảng về bình đẳng giới, nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.

 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác này cũng đã được quan tâm, tỷ lệ cán bộ nữ làm quản lý tại các đơn vị chiếm gần 80%, đặc biệt cán bộ, viên chức là nữ trong ngành Giáo dục Thái Nguyên 100% đều đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Mặc dù vậy, thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như thực hiện bình đẳng về giới vẫn còn nhiều tồn tại, đó là sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm trong công việc cũng như trong cuộc sống cho nữ giới là chưa nhiều. Chính điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lao động sáng tạo của phụ nữ, cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý của nữ giới.

 

Tại hội nghị, đại biểu đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, đề ra một số biện pháp thực hiện vấn đề bình đẳng về giới thời gian tới là: Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình VSTBPN; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ sát với thực tế; nâng cao nhận thức về giáo dục phẩm chất phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.