Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa tổng kết PISA 2012 (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế). Trước đó, vào đầu tháng 12-2013, OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) đã công bố kết quả khảo sát PISA 2012 (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế), theo đó Việt Nam có thành tích về khoa học đứng thứ 8 với 528 điểm, toán học đứng thứ 17 với 511 điểm và đọc hiểu đứng thứ 19 với 508 điểm. Kết quả này gây bất ngờ ngay cả với những người làm trong ngành giáo dục.
Khi mổ xẻ sâu hơn dữ liệu từ PISA trong hội nghị tổng kết, Bộ GD-ĐT nhận thấy học sinh Việt Nam xếp thứ 5/68 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát về đầu tư thời gian học thêm, 67/68 về khả năng linh hoạt trong giải quyết vấn đề, 7/68 về tính kiên trì. Ngoài ra, môi trường kỷ luật ở trường học đứng thứ 5/68 cho thấy tính kỷ luật ở trường học Việt Nam rất cao.
Riêng về mối quan hệ giáo viên – học sinh xếp thứ 45/68. Điều này thể hiện mối quan hệ lỏng lẻo giữa thầy và trò… Bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc quốc gia PISA Việt Nam nhấn mạnh đến chỉ số về tính kiên trì của học sinh Việt Nam khi cho rằng, chính điều này giúp học sinh Việt Nam đạt được kết quả tốt trong kỳ khảo sát. Các em hoàn thành hầu hết các câu hỏi trong đề kiểm tra, trong khi nhiều học sinh của các nước thuộc OECD có thể dễ dàng bỏ qua các câu hỏi nếu các em không thích hoặc thấy quá khó...
Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức khảo sát chính thức PISA 2015 sẽ tiến hành vào tháng 4-2015. Theo yêu cầu của PISA thì tháng 4-2014 sẽ tiến hành một đợt khảo sát thử nghiệm.
Để kỳ khảo sát năm 2015 được tổ chức có hiệu quả hơn, bà Lê Thị Mỹ Hà đề nghị Bộ GD-ĐT cần thành lập Trung tâm đánh giá quốc gia về chất lượng giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT để tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam.