TS. Nguyễn Quang Cương (Trường ĐH Quy Nhơn) chia sẻ những phân tích, kinh nghiệm và bí quyết về một giờ dạy học Ngữ văn tích hợp.
Thầy không áp đặt cách hiểu, cách cảm
Theo TS. Nguyễn Quang Cương, cần tìm hiểu giá trị của tác phẩm thông qua những yếu tố nằm trong văn bản, thuộc về cấu trúc văn bản; đồng thời, hướng dẫn HS vận dụng những yếu tố ngoài văn bản để soi sáng cho các kết quả phân tích từ văn bản.
Tuy nhiên, ý nghĩa của tác phẩm văn học không chỉ phụ thuộc vào ý đồ sáng tạo của nhà văn, mà còn phụ thuộc vào người tiếp nhận.
Văn học chính là cuộc đời được khái quát bằng hình tượng nghệ thuật. Qua hình tượng đó, mỗi người đọc đều tìm ra cho mình một ý nghĩa, một bài học phù hợp.
Giờ văn theo tinh thần tích hợp là giờ văn không chỉ biết từ các hình thức nghệ thuật ngôn từ trong văn bản, kết hợp với những hiểu biết về các yếu tố ngoài văn bản mà trong giờ học văn, người thầy còn biết khơi dậy trong lòng học sinh (HS) những liên hệ, liên tưởng giữa hình tượng trong tác phẩm với vốn sống, vốn văn hoá và sự từng trải của cá nhân mình.
Sự liên hệ, liên tưởng này sẽ tạo nên sự cộng hưởng, cộng cảm giữa hình tượng nghệ thuật (ý nghĩa khách quan) - Tư tưởng, ý đồ nhà văn (chủ thể sáng tạo); cách hiểu và cảm của giáo viên (chủ thể truyền thụ) và tâm hồn, tình cảm của người đọc (chủ thể tiếp nhận).
Nhà văn (chủ thể sáng tạo) gửi gắm tư tưởng, ý đồ vào văn bản. Văn bản tác động vào giáo viên A tạo nên hình tượng A. Giáo viên (GV) tác động vào các học sinh và HS cũng tác động ngược trở lại GV.
Đồng thời văn bản trực tiếp tác động vào mỗi HS tạo nên các hình tượng khác nhau (cách hiểu khác nhau- độ đậm nhạt khác nhau).
Cách hiểu của GV có tác động đến cách hiểu của HS và ngược lại cách hiểu của HS cũng tác động lại cách hiểu của GV.
GV có vai trò và tác động rất lớn đến cách hiểu của HS nhưng GV cũng chỉ là một bạn đọc sáng tạo như HS. Sự cộng hưởng và tác động qua lại sẽ tạo nên những lớp nghĩa mới cho văn bản nghệ thuật.
Và như thế cùng học một văn bản nhưng có bao nhiêu HS (chủ thể tiếp nhận) là có bấy nhiêu kết hợp cộng cảm. Kết quả là sẽ có rất nhiều kết quả tiếp nhận khác nhau, làm đa dạng và phong phú thêm cho ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật.
Điều này khác hẳn với cách dạy học một chiều: thầy giảng, trò tiếp thu một cách thụ động qua thầy. Kết quả là tất cả HS chỉ có chung một hình tượng theo cách hiểu của thầy.
Ý thức được điều đó, trong giờ học văn, người giáo viên không bao giờ áp đặt cách hiểu duy nhất của mình, không độc tôn một ý kiến, một nhận xét của một cá nhân nào đó, mà luôn kêu gọi, gợi mở để mỗi HS tự nêu lên những nhận xét, cảm nhận của chính cá nhân mình.
Những kết quả tiếp nhận của HS không phải bao giờ cũng trùng khít lên ý nghĩa khách quan và ý đồ, tư tưởng của chủ thể sáng tạo, nhưng nó cũng không đi ngược hẳn với các giá trị đó. Kết quả tiếp nhận có thể khác nhau rất xa, nhưng vẫn cùng hướng, cùng chiều...
Những vấn đề giáo viên cần chú ý khai thác
Để thiết kế được một giờ học, TS. Nguyễn Quang Cương cho rằng, theo quan điểm tích hợp, trước mỗi văn bản tác phẩm được dạy, người giáo viên cần chú ý khai thác và trả lời các vấn đề cơ bản sau đây:
Những hiểu biết về tiếng Việt và ngôn ngữ học cần có để phân tích, soi sáng, làm nổi bật nội dung của tác phẩm này là gì ? (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tu từ, đoạn văn, văn bản... ?).
Những hiểu biết về lý luận văn học, lịch sử văn học và các yếu tố khác ngoài văn bản nào góp phần soi sáng cho việc tìm hiểu phân tích tác phẩm văn học này?
Những vấn đề nào đặt ra trong tác phẩm dành cho sự cảm nhận riêng biệt của mỗi học sinh ?
Tổ chức giờ học như thế nào để tích hợp được tất cả các tri thức và kĩ năng đã nêu?
Tóm lại, một giờ Văn theo quan điểm tích hợp là một giờ phải vận dụng một cách tổng hợp, nhuần nhuyễn nhiều tri thức và kĩ năng nhằm làm sáng lên những gía trị nội dung và nghệ thuật tiểm ẩn trong tác phẩm văn học.
Theo quan điểm này, văn bản ngôn từ được coi là yếu tố trung tâm, chủ đạo, mọi yếu tố khác như Lịch sử văn học; Người đọc; Hệ thống các nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật (lý luận văn học) và Các tri thức văn hoá tổng hợp liên ngành đều góp phần soi sáng cho văn bản ngôn từ nghệ thuật.