Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế ngành Giáo dục

15:02, 12/03/2014

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế ngành Giáo dục giai đoạn 2014 - 2016”.

Đề án nhằm nâng cao năng lực tổ chức pháp chế ngành Giáo dục về tổ chức bộ máy và nhân lực.

 

Đồng thời, xây dựng tổ chức pháp chế ngành Giáo dục theo mô hình thống nhất được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định 55),

 

Tạo cơ sở pháp lý trong việc bố trí nguồn nhân lực, các điều kiện bảo đảm tổ chức triển khai đồng bộ công tác pháp chế trong ngành Giáo dục;

 

Tạo sự chuyển biến cơ bản trong tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục;

 

Hoàn thiện, nâng cao kiến thức về pháp luật; kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55; đồng thời bổ sung kiến thức chuyên sâu, kỹ năng ghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác pháp chế trong ngành giáo dục.

 

Ngoài ra, Quyết định còn xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn về tổ chức pháp chế đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục bằng pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, kỷ cương;

 

Hoàn thiện về tổ chức của Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT để triển khai tốt các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Nghị định số 55 và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (Nghị định số 48);

 

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức pháp chế các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu sau một (1) năm phải được đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công tác pháp chế;

 

Sau năm (5) năm phải có trình độ cử nhân Luật (đối với cán bộ, công chức chưa có bằng cử nhân Luật) và đáp ứng yêu cầu trình độ, yêu cầu chuyên sâu cao trong một số lĩnh vực pháp luật cụ thể; thường xuyên cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ liên quan cho người làm công tác pháp chế ngành giáo dục;

 

Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác pháp chế cho cán bộ làm công tác pháp chế ngành giáo dục theo hướng cung cấp các kỹ năng cần thiết trong các hoạt động về công tác xây dựng pháp luật; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật;

 

Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác pháp chế ngành Giáo dục.