Với nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu, việc nuôi dạy con là niềm đam mê. Chị luôn nhìn thẳng vào mắt con khi nói. Không có thói quen đổ tại ai, chị lặng lẽ giáo dục con theo triết lý học để phát triển tố chất.
Luôn thẳng thắn với con
Tin Lã Hồ Minh Khuê (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) được Đại học Harvard cấp học bổng 320.000 USD/4 năm học khiến nhiều người khâm phục. Đằng sau thành công ấy là một người mẹ đã kiên trì nuôi con với nhiều mồ hôi và nước mắt.
“Với tôi, thành công không phải việc con được vào ĐH Harvard hay đại học danh tiếng nào trên thế giới. Thành công lớn nhất là chắp cánh cho con phát triển tất cả tố chất con người cháu có, giúp cháu thực sự có được hạnh phúc trong cuộc sống” - chị Hồ Thị Hải Âu chia sẻ.
Gạt nước mắt sau nỗi đau trong chuyện hôn nhân, chị Hải Âu chấp nhận là người mẹ đơn thân một mình nuôi dạy Minh Khuê từ tấm bé. Nhưng dường như “sai lầm” (từ chị dùng) ấy chỉ khiến chị mạnh mẽ hơn để dồn toàn tâm cho chuyện chăm sóc con con gái bé nhỏ.
Bố mẹ Việt nhiều người thừa thời gian để nhậu với bạn bè hay tám về đủ chuyện ở mọi nơi, còn con cái bỏ cả cho nhà trường “trăm sự nhờ thầy”.
Chị nói mình không thích đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất kỳ ai: “Tôi rất thích cách bố mẹ Mỹ trò chuyện với con. Họ luôn nhìn thẳng vào mắt con, nói những điều đơn giản nhưng chân thành, không giấu giếm. Tôi vẫn thường nói với con mẹ cũng là một người mẹ bình thường, mẹ vô vàn nhiều sai sót nhưng sâu trong tim mẹ là tình yêu thương con vô vàn. Những khi mẹ sai, mẹ xin lỗi và mong con tha thứ. Mẹ cần chúng ta tin tưởng nhau”.
Quan niệm giáo dục về "7 trí thông minh"
Chị lặng lẽ và kiên trì dạy con theo triết lý giáo dục đã lựa chọn.
Nhiều người thắc mắc có quá tham lam khi cho Minh Khuê học đủ thứ từ piano, vẽ, tiếng Anh, toán, văn, bơi ngay từ nhỏ. Chị chỉ cười “nếu để đến giờ thì có lẽ không bao giờ mình giáo dục con được như ngày nay”.
Chị chia sẻ: “18 năm qua, mình đã đồng hành với Harvard để nuôi dạy con. Mình nghiên cứu và thấy triết lý giáo dục của họ rất tuyệt vời. Giáo dục con như thế nào chính là cha mẹ đã khai sinh lần thứ 2 cho con.
Chúng ta thường quan niệm có năng khiếu mới học được đàn, piano. Nhưng Harvard cho rằng học để phát triển tố chất chứ không phải có tốt chất mới học, trẻ có quyền được cha mẹ giúp phát triển những tố chất đó”.
Chị lý giải: Triết lý đó không phải tự nhiên có, nó là kết quả của quá trình giải phẫu học của ngành y, nghiên cứu tâm lí lứa tuổi, sư phát triển não bộ của con người. Quan niệm về chỉ số IQ đã cũ khi đề cập tới trí thông minh của một đứa trẻ.
Quan điểm mới là có 7 loại hình thông minh khác nhau đứng tương đối độc lập. Nếu được giao thoa sẽ tương hỗ, giúp phát triển sự thông minh của đứa trẻ lên nhiều lần.
7 loại hình đó bao gồm: trí thông minh về vận động hay là thể thao, trí thông mình củalogic toán học, thông minh của phát triển tư duy hình tượng ngôn ngữ, ngoại ngữ, âm nhạc, sự thông minh của hội họa và rất hay nữa thường có ở những nhà lãnh đạo là năng lực dự cảm, nhà tiên tri những người có thể xem tướng số.
7 loại hình đó được Harvard cụ thể trong 6 môn học giúp đứa trẻ phát triển tốt nhất các tố chất của mình đó là toán học, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ, thể thao và nhân văn.
“Xã hội phát triển, đồ dùng thường được chế tạo cho người thuận tay phải. Về lâu dài, hoạt động này sẽ giúp bán cầu đại não trái phát triển, bán cầu não phải sẽ kém đi. Và piano sẽ giúp 2 bán cầu não căn bằng” – chị phân tích chuyện cho con học piano.
Giai đoạn từ 0 đến 4 tuổi, não bộ của trẻ sẽ phát triển hoàn toàn về khối lượng và chất lượng, lúc này não bộ các cháu như một thư mục rỗng. Và bạn sẽ lựa chọn để xã hội vẽ lên đó hay chủ động vẽ con đường cho các con đi” – chị say sưa.
Chị cho học tiếng Anh từ sớm để Minh Khuê có thể tư duy sự việc bằng cả 2 thứ tiếng, không để lớn lên học ngoại ngữ tư duy bằng tiếng Việt rồi mới dịch sang tiếng Anh.
Chị cho con học hội họa bên cạnh toán, văn (là sở trưởng vốn có của mẹ) để những khi căng thẳng con tìm đến giải trí.
Chị dạy con bơi từ sớm để cháu học vận động và cách tự bảo vệ mình.
Luôn bên con và kỷ luật mềm
Ngoài công việc ở Thời báo Ngân hàng, chị còn tham gia một số hoạt động đầu tư khác.
Khi con còn nhỏ, gần như chị chỉ đi làm và dành toàn bộ thời gian chăm con. Chị sẵn sàng nghỉ làm 10 ngày để cùng thầy dạy con tập bơi hay ngồi hàng giờ học piano cùng con, để khi về dạy lại cho con và rèn con tính chuyên cần.
Tùy vào độ tuổi, chị cân đối việc học môn nào nặng nhẹ khác nhau cho con. Khi còn nhỏ thì toán là phụ, văn cũng vậy (nhưng chị giáo dục con hàng ngày).
Ba môn là bơi, piano và học vẽ mỗi ngày chị đưa con đến nhà thầy học 3-4 tiếng.
Đến khi hết lớp 1, Minh Khuê đã có giải về hội họa, lớp 2 - 3 liên tục giải piano. Lớp 4 hai môn nghệ thuật này của cô gái nhỏ đã thuần thục chị lại tăng cường cho con học toán, văn và giãn thời gian học nghệ thuật.
Quan sát con chơi với bạn chị thấy Minh Khuê chỉ vui đùa khoảng 1 tiếng là chán, cần ngày một cây đàn hay cành cọ để vẽ. Như thế con mới thấy thoải mái. Chị vui khi dạy cho con tính kỷ luật mềm, tự cháu cảm thấy điều đó là tự nhiên và hạnh phúc.
Bài học "Trong đầm gì đẹp bằng sen"
Dân gian có câu “Trong đầm gì đẹp bằng sen…Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nhưng hoa sen nếu không sống trong bùn thì sẽ ở đâu? Trên socola hay kem của con, hay kim cương vàng bạc? Không. Nhưng sen sẽ rất mang ơn bùn kia. Nó là dinh dưỡng, là nước ối của mẹ, tinh tuy là ở đó. Nhờ bùn mà sen mới dậy hương, mới đẹp được.
Chị kể với con câu chuyện ấy để dạy con nhìn tất cả trong tính toàn bộ. Đừng chỉ thích cái gì rồi đối lập với tất cả hay bỏ đi những điều thú vị hay quan trọng trong cuộc sống.
Chị nói với con về những điều tốt và cả những cái xấu, về lỗi lầm của mình để con nhìn cuộc sống với lăng kính đa chiều, biết sống hướng thiện.
Chị và con say sưa tìm hiểu lịch sử gia đình. Chị kể về thời gian khó, kể về ngoại đã nuôi 6 người con khôn lớn ra sao, những bữa cơm rau khoai lang ngon ngọt thế nào. Không phải để kể khổ mà để con thấy được cái đẹp của cuộc đời và thời nào cũng tồn tại.
“Khi con biết yêu thương gia đình, lịch sử rồi lớn lên con sẽ biết yêu thương đồng loại” - đó là điều chị luôn tâm niệm.
Lẽ ra rất thành danh ở sự nghiệp văn chương khi hồi trẻ có khởi sự tốt, nhưng chị đã lui về phía sau dốc lòng cho sự nghiệp của một người mẹ. Trong hành trình cuộc đời mình, chị đã gặp những người bạn chia sẻ sự nghiệp này.
Nói về mẹ, Minh Khuê cười hạnh phúc: “Mẹ không chỉ là mẹ mà con là một người bạn lớn trong cuộc đời mình”.