Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, Trưởng khoa Văn - Xã hội, Đại học Khoa học Thái Nguyên chia sẻ: “Sẽ là vội vàng, nông nổi và sáo rỗng nếu như chỉ tìm hiểu khoa học trong những trang sách, giáo trình. Vì vậy, Khoa luôn chú trọng học tập phải gắn liền với nghiên cứu thực tế”. Quy trình đào tạo này đã thu hút ngày càng đông đảo sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Khoa Văn - Xã hội được thành lập từ năm 2008, với quy mô đào tạo hàng năm tuyển sinh trên 500 sinh viên, đào tạo các ngành và môn học chính là Văn học, Khoa học quản lý, Báo chí, Công tác xã hội, Du lịch và Luật. Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cho khu vực các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, Khoa đã xác định rõ quy trình đào tạo đó là học tập phải đi đôi với thực hành, lấy hoạt động thực tế làm đối tượng NCKH và kết quả học tập đồng nghĩa với kết quả báo cáo khoa học thực tế, được Hội đồng Khoa học của Trường thông qua. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó trưởng Khoa cho biết: Mục tiêu chính của Trường cũng như của Khoa là trang bị cho sinh viên những kỹ năng cơ bản về NCKH và lập đề tài, phương pháp nghiên cứu. Những năm đầu mới thành lập, khó khăn nhất với đội ngũ giảng viên là tổ chức và hướng dẫn sinh viên đi thực tế, điền dã dài ngày. Nhiều sinh viên chưa quen với kỹ năng tự tìm hiểu, phát hiện đề tài và cách khai thác... nên có những chuyến đi về các em “trắng tay” lại phải tự đi thực tế lại. Thâm nhập, trải nghiệm và phát hiện là những kỹ năng không thể thiếu cho mỗi sinh viên, nhất là trước mỗi chuyến đi thực tế dài ngày.
Sau những nỗ lực hướng dẫn và đổi mới phương pháp đào tạo đó là hướng đến tính chủ động cho sinh viên, tăng cường rèn luyện những kỹ năng “mềm” để sinh viên tự tin tiếp cận những vấn đề trong đời sống xã hội, từ đó dám nêu nững nhận xét, những quan điểm và cách nhìn nhận của bản thân để tiến đến tìm hiểu và lý giải trên cơ sở khoa học... Từ chỗ ban đầu chỉ thực hiện chương trình 30% số thời gian học tham gia thực hành (đi thực tế và làm báo cáo khoa học), đến nay, Khoa đã áp dụng thực hiện từ 40%-50% số thời gian là thực hành.
Sinh viên Ngô Thị Thu Thảo, lớp cử nhân ngành Việt Nam học khóa 10, nhớ lại: Quá trình học tập và nghiên cứu chuyên ngành, lượng kiến thức là rất nhiều và khó có thể thuộc hết, nhưng khi được đi thực tế và tiếp cận với cuộc sống của đồng bào Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, em thấy có những điều mà sách vở, tài liệu không thể đề cập hết được. Ví dụ như: Vì sao phụ nữ trước khi sinh lại xách ống bương nước thả xuống đất, hay làm một số việc bằng chân tay, vì sao lại kiêng kỵ không cho người lạ tiếp xúc trẻ lúc mới sinh...? Thực tế từ chuyến đi Thảo đã xây dựng đề tài: “Tục kiêng kỵ trong sinh đẻ của người Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai”. Thảo cho biết: Cái thiếu trong thực tế của đồng bào là những luận giải khoa học, vì ở vùng cao, đồng bào chủ yếu truyền khẩu và hàm chứa những yếu tố huyền bí. Trong thực tế tục xách ống bương nước thả xuống đất của bà mẹ khi sắp sinh con, về tinh thần là mong muốn mẹ tròn con vuông, sinh thuận, về khoa học đó chính là động tác tạo co dãn cơ để dễ sinh hạ...
Còn Phạm Thị Luyến, lớp cử nhân Văn học khóa 8 thì chọn cho mình đề tài “Nghi lễ trưởng thành của người Sán Chỉ” sau khi được tận mắt thấy, tai nghe về loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần này tại tỉnh Lạng Sơn. Luyến cho biết: Ban đầu em nghĩ đó là một hoạt động mang tính mê tín. Sau khi tìm hiểu, em mới biết: Nghi lễ trưởng thành bản chất như một “giấy” chứng sinh lần thứ hai, công nhận của dòng tộc cho người thanh niên đã trưởng thành về nhân cách, đạo đức, tâm lý và là nhân tố tích cực trong xây dựng cuộc sống trong cộng đồng dân cư.
Hoặc như nhóm sinh viên Vũ Thị Mùi, Nguyễn Thị Mùi, Đào Quỳnh Anh lớp cử nhân Văn học khóa 7 lại chọn những nghi lễ tang ma của người Sán Dìu ở huyện Đồng Hỷ, làm đề tài báo cáo khoa học. Đề tài đã phát hiện những giá trị nhân văn cao cả trong đời sống tâm hồn của đồng bào từ những bài văn khấn, khóc ma, hay hệ thống tranh thờ phong phú, các linh vật mang theo người chết tương ứng với căn, mệnh, số... của chính người đó. Và tầng sâu giá trị văn học là: Chết không phải là hết mà giá trị còn lại chính là những điều tốt đẹp còn đọng lại trong lòng những người đang sống. Đề tài đã xuất sắc giành giải Nhất Hội thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2012.
Với quy trình đào tạo mỗi khóa học, sinh viên phải hoàn thành 3 báo cáo khoa học kết quả thực tế, thực tập, bên cạnh đó các môn học, sinh viên cũng phải thực hiện viết niên luận hàng năm, bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Tính từ năm 2008, đến nay, Khoa đã nhận được hàng trăm đề tài, báo cáo NCKH của sinh viên. Đặc biệt, hàng năm Khoa đã phát hiện được từ 13-15 đề tài NCKH học cấp bộ của sinh viên. Đây chính là những tín hiệu tích cực trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học của Khoa Văn - Xã hội cũng như của Nhà trường trong những năm qua.