Từ ngày 6-13/5/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các đối tác sẽ phát động và tổ chức hưởng ứng Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người với thông điệp “Người khuyết tật có quyền thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng, thân thiện và bình đẳng”.
Chiến dịch nhằm tăng cường thực hiện các chính sách, chương trình và các biện pháp nhằm đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập có chất lượng, hỗ trợ người khuyết tật vượt qua những rào cản mà họ đang phải đối mặt trong việc tiếp cận giáo dục và quyền được giáo dục.
Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập, hướng tới giáo dục hòa nhập nhằm giúp người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc, phát triển tối đa năng lực bản thân, sự sáng tạo và tài năng để đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.
Hiện nay, ước tính có khoảng 650 triệu người khuyết tật, chiếm gần 10% dân số toàn cầu. Trong số đó, có khoảng 93 triệu trẻ em khuyết tật. Người khuyết tật có quyền bình đẳng trong giáo dục, tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn hàng triệu trẻ em khuyết tật chưa được hưởng quyền đó.
Ở hầu hết các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình, trẻ khuyết tật có nguy cơ thất học cao hơn những trẻ em khác trong cùng độ tuổi, thậm chí trong số những em đã đi học, nguy cơ bỏ học cũng rất cao. Cá biệt, ở một số nước, khuyết tật là nguyên nhân chính dẫn đến thất học. Tỷ lệ thất học của trẻ khuyết tật gấp đôi so với trẻ không khuyết tật.
Giáo dục đóng vai trò quyết định đối với người khuyết tật. Giáo dục là con đường giúp họ phát triển tối đa khả năng cũng như tiềm năng cá nhân, để từ đó họ được sống với chân giá trị của mình và có ích cho xã hội. Quyền được giáo dục phải được dựa trên cơ sở bình đẳng cơ hội, không phân biệt đối xử thông qua giáo dục hòa nhập thân thiện ở các cấp học, trình độ đào tạo và học tập suốt đời.
Việt Nam đã kí tham gia Công ước Liên hợp quốc về Quyền Người khuyết tật (CRPD) vào năm 2007 và hiện đang trong quá trình phê duyệt công ước vào năm nay. Giáo dục hòa nhập được coi là một biện pháp chủ chốt nhằm thực hiện giáo dục cho mọi người. Việt Nam đã có khung luật pháp trong việc hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong hơn một thập kỷ qua. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật tháng 6 năm 2010; Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người giai đoạn 2003 - 2020; Các Bộ, ngành đã ban hành 02 Thông tư quan trọng: Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 31/12/2012 Quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập và Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 28/12/2013 Quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật.
Các văn bản trên là cơ sở pháp lý để thực hiện những chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các cơ hội học tập ở nhiều cấp học và trình độ đào tạo; ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành một số văn bản quy định về can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Hàng năm, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các năm học đều có nội dung về giáo dục người khuyết tật; hướng dẫn ưu tiên tuyển sinh cao đẳng, đại học đối với học sinh khuyết tật.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông cho người khuyết tật, quy định không rào cản đối với người khuyết tật tại các công trình công cộng và những công trình xây dựng mới.
Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện các văn bản chính sách ở một số địa phương. Người khuyết tật học tập vẫn phải đối mặt với những thách thức như thiếu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, khó khăn khi đến trường và học tập do sự bố trí lớp học chưa linh hoạt, khó tiếp cận công trình công cộng, thiếu các thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu về ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính…
Do vậy, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục làm tốt công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập; tăng cường và đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; có chính sách động viên, khuyến khích kịp thời. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật.
Được biết, năm nay, Tuần lễ toàn cầu hành động giáo dục cho mọi người ở Việt Nam được tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tuần lễ hành động toàn cầu là một sự kiện thường niên do Liên minh chiến dịch toàn cầu vì giáo dục (GCE) – liên minh của các tổ chức phi chính phủ và liên đoàn giáo viên phát động nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục cho mọi người. Tuần lễ nhằm huy động các nguồn lực và sự ủng hộ của toàn xã hội để đạt được mục tiêu giáo dục cho mọi người./.