Theo lộ trình của huyện Võ Nhai đề ra là phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) mức độ 2. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013 huyện mới đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 1. Như vậy, chặng đường phấn đấu đạt chuẩn PC mức độ 2 đối với Võ Nhai còn rất nhiều khó khăn.…
Đến thời điểm này Võ Nhai có 8/15 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2, bằng 53,3%. Trong khi đó, đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2 phải có 90% xã, thị trấn trở lên đạt PC mức độ 2. Theo quy định đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2 thì phải có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2. Như vậy, nếu Võ Nhai không đạt được tiêu chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 2 thì tỉnh không thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra. |
Cúc Đường là xã gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác PCGDTH ĐĐT. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cúc Đường khẳng định: “Qua thống kê của tôi thì chỉ có duy nhất năm 2005 là xã được công nhận đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT. Suốt từ năm 2006 đến năm 2010, tỷ lệ học sinh (HS) ở độ tuổi 11 tuổi (hoàn thành chương trình tiểu học) chỉ đạt bình quân 76%. Sau nhiều nỗ lực của các thầy cô, năm học 2012-2013, số HS 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học nâng lên 87%. Các tiêu chí khác như cơ sở vật chất trường, lớp, đội ngũ giáo viên... cũng vừa chạm mốc đạt PCGDTHĐĐT mức độ 1. Để đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2 theo đánh giá của tôi phải đến hết năm học 2015-2016”.
Trao đổi với lãnh đạo địa phương chúng tôi được biết, xã Cúc Đường cũng như Nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn cho con em đi học đúng độ tuổi, nhưng khó khăn lớn nhất là hằng năm đồng bào Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang di cư về cho con em đi học đều quá tuổi. Nhiều năm qua, trung bình mỗi năm ở Cúc Đường đều có 2-3 gia đình chuyển đến, các cháu trong độ tuổi nhập học đều quá tuổi. Bên cạnh đó, gần như 100% HS đồng bào Mông vào lớp 1 chưa biết tiếng phổ thông cũng là một trở ngại lớn cho các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCGDTHĐĐT là ở các xã miền núi, có đông đồng bào dân tộc tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên việc chăm lo, tạo điều kiện cho con em học tập còn hạn chế.
Cô giáo Phạm Thị Kim Oanh cho biết: Theo chế độ của Nhà nước, các em được hỗ trợ tiền chi phí học tập là 70 nghìn đồng/tháng (630 nghìn đồng/năm học) nên Nhà trường mới duy trì được sĩ số. Nhà trường cũng muốn tổ chức cho các em học bán trú nhưng các bậc phụ huynh nghèo quá không có tiền để đóng góp mua gạo, củi…
Chung thực trạng trên, công tác PCGDTH ĐĐT ở xã Thượng Nung cũng không có gì sáng sủa hơn. Theo cô giáo Trần Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, phần lớn HS của trường là con em đồng bào Mông. Ngoài điểm trường chính, Trường có 3 khu lẻ ở các lũng như: Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài. Mặc dù Nhà trường rất tích cực vận động các cháu đến tuổi ra lớp, song các hộ dân chủ yếu là đồng bào Mông ở rải rác khắp các triền núi, đời sống khó khăn, nên hầu hết con em đồng bào 7-8 tuổi mới cho đi học lớp 1. Việc duy trì sĩ số hằng năm đối với nhà trường cũng không dễ vì năm nào cũng có cũng có vài gia đình di cư đến hoặc chuyển đi. Mặc dù các thầy cô rất nỗ lực trong giảng dạy, dịp hè Nhà trường tổ chức dạy bồi dưỡng cho học sinh có học lực yếu, song tỷ lệ lưu ban còn cao. Năm 2012 chỉ có 53,7% số HS 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, năm 2013 tỷ lệ này nâng lên là 61,1%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác PCGDTHĐĐT của xã không đạt theo lộ trình đề ra. Bởi thế đến thời điểm này, Thượng Nung cũng là xã duy nhất của tỉnh mới đạt chuẩn PCGDTH.
Trao đổi cũng chúng tôi về những giải pháp để để giữ vững và nâng cao chất lượng công tác PCGDTHĐĐT, sớm đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2 theo lộ trình đã đề ra, đồng chí Hà Mạnh Cương, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết: thời gian tới Phòng sẽ tham mưu cho huyện, cũng như chỉ đạo các nhà trường duy trì sĩ số, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đi học. Tiếp tục huy động triệt để trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường. Tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy để không còn trẻ lưu ban, bỏ học. Tiếp tục mở rộng hình thức học 2 buổi/ngày. Hằng năm tăng cường và nâng cao chất lượng phổ cập, phấn đấu 95% trẻ 11 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng giảng dạy, mỗi năm có từ 10-15% giáo viên trên chuẩn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đủ phòng học, các phòng chức năng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của nhà trường, mỗi năm có từ 1-2 trường đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, nếu không có sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cấp xã vào cuộc thực sự thì mục tiêu mà huyện đề ra khó có thể hoàn thành theo kế hoạch.