Sinh viên ngành Công tác xã hội gặp trở ngại khi rèn nghề

17:27, 30/05/2014

Đó là nhận định của nhóm sinh viên La Thị Giang, Bàn Thị Ten - Khoa Công tác Xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội) khi tiến hành phân tích thực trạng định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành này tại trường.

Cụ thể, con số sinh viên cho biết mình gặp trở ngại khi theo học chiếm tới 89,8 %. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nhiều nhất là do chương trình học.

 

Theo điều tra, các bạn sinh viên cho rằng, chương trình học ít thực hành, ngoại khóa; khung chương trình giảng dạy chưa hoàn chỉnh và đang hoàn thiện ,giảng viên chuyên về Công tác xã hội rất ít.

 

Công tác tổ chức thực hành và thực tập cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu về tăng cường nối kết lý thuyết và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế. Rất khó tìm thấy giáo trình về Công tác xã hội ở các hiệu sách trên thị trường sách.

 

Cùng với đó là, việc chưa quen với phương pháp học ĐH; hoàn cảnh gia đình khó khăn…; khó kiếm việc làm; không có niềm đam mê và hứng thú với nghề; …

 

Để tìm hiểu cụ thể về tình hình định hướng nghề, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát cụ thể thái độ học tập của sinh viên chuyên ngành Công tác Xã hội.

 

Kết quả, câu trả lời: “Chỉ học được những gì thầy cô ở trường dạy” chiếm vị trí cao nhất (41%); 34,9% cho chủ động tìm thêm sách báo, tài liệu tham khảo để bổ sung nguồn tri thức phong phú về nghề… Còn lại, chỉ 25,9% thường xuyên trao đổi với bạn bè về bài vở.

 

Định hướng việc làm, dự định về quê xin việc chiếm vị trí cao nhất 47%; tiếp theo là xin việc và sống ở thành phố lớn ( 32,5 %)…

 

Theo nhóm nghiên cứu này, nhu cầu nhân lực ngành Công tác xã hội ở Việt Nam rất lớn. Nhưng do một số nguyên nhân khách quan như đó là một ngành mới, chưa được sự quan tâm nhiều của các cơ quan, tổ chức,…khiến các bạn sinh viên lầm tưởng rằng ngành mình học khó hoặc không có khả năng xin việc

 

Từ đó, nhóm đưa ra thông điệp với các sinh viên cần tăng cường tính chủ động trong quá trình học tập để tìm hiểu và tiếp cận các cơ hội được thực hành tay nghề tại cơ sở.

 

Đồng thời, cần xác định động cơ, mục đích học tập một cách rõ ràng và đúng đắn; nghiên cứu kỹ tính chất công việc nghề nghiệp và ra quyết định đúng đắn trong quá trình thi tuyển và học tập nghề nghiệp. Cùng với đó, tăng cường những kiến thức bổ sung khác và kỹ năng về ngoại ngữ để tiếp cận với các tài liệu, kinh nghiệm của nước ngoài.