Bài toán “Thừa thầy, thiếu trò” trong các trường dạy nghề hiện nay

10:40, 01/06/2014

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 53 cơ sở dạy nghề (tăng 19 cơ sở dạy nghề so với thời điểm cuối năm 2006), tỷ lệ lao động trong tỉnh qua đào tạo nghề đến nay đã đạt trên 35% (năm 2006 là 11,31%). Việc tăng nhanh về số lượng cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội cho người học lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và đa dạng hóa nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay tuyển sinh quá khó khăn nên đang rơi vào tình trạng “thừa thầy, thiếu trò”...

Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh không ngừng phát triển đội ngũ giáo viên cơ hữu để chủ động trong công tác đào tạo tại chỗ và liên kết đào tạo nghề với các địa phương khác trong cả nước. Số cán bộ, giáo viên của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 985 người (năm 2006) lên gần 1.800 người. Không chỉ tăng về số lượng giáo viên mà chất lượng giáo viên của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đã ở mức khá so với mặt bằng chung của cả nước.

 

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: “Về trình độ chuyên môn, giáo viên của các cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn do Trung ương quản lý cơ bản đã đạt chuẩn và tỷ lệ giáo viên có trình độ sau đại học chiếm gần 50%. Đối với các cơ sở dạy nghề thuộc tỉnh quản lý, trình độ chuyên môn của giáo viên cũng đã từng bước được nâng lên nhờ nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào, cử giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức ngắn, dài hạn. Chắc chắn kết thúc năm 2015, giáo viên của các cơ sở dạy nghề do tỉnh quản lý sẽ chuẩn hóa về trình độ theo quy định”.

 

Tăng giáo viên cơ hữu nên tình trạng các cơ sở dạy nghề của tỉnh quản lý phải mời giáo viên thỉnh giảng theo từng đợt đào tạo như trước đây không còn phổ biến. Ngược lại, một số cơ sở dạy nghề của tỉnh đã được bố trí đủ 14 biên chế nhưng mỗi năm chỉ tuyển sinh được 4 lớp dạy nghề ngắn hạn (mỗi lớp từ 25 đến 30 học viên) nên có giáo viên không đủ giờ đứng lớp theo mức lương hiện hưởng. Đặc biệt trong năm 2014, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề có hỗ trợ ngân sách chậm hơn so với những năm trước, nên những trung tâm dạy nghề không có khả năng tuyển sinh những lớp dạy nghề học viên tự túc chi phí đào tạo thì giáo viên cơ hữu đành “ngồi chơi, xơi nước” hoặc làm những công việc hỗ trợ đào tạo khác.

 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Bình thông tin: “Theo chỉ tiêu, đơn vị chúng tôi có 14 biên chế, trong đó có 7 giáo viên cơ hữu nhưng giờ mới có 4 giáo viên cơ hữu. Có 4 giáo viên nhưng từ đầu năm đến nay, Trung tâm mới tuyển dụng được 3 lớp, 95 học viên học nghề nông nghiệp nên giáo viên dạy cơ khí chế tạo; may dân dụng và công nghiệp phải đi các xã để làm công tác tư vấn. Qua thực tế hoạt động, chúng tôi thấy, giáo viên cơ hữu được bố trí đủ 7 người thì sẽ thừa nếu không mở thêm được các xưởng sản xuất, dịch vụ để thu hút những học viên tự túc kinh phí đào tạo”.

 

Chủ trương của Chính phủ là tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh được xây dựng ngay tại 9 huyện, thành, thị đã, đang tạo điều kiện thuận lợi để tuyển sinh tại chỗ. Tuy nhiên, các trung tâm dạy nghề thuộc tỉnh quản lý không tuyển dụng được giáo viên có trình độ chuyên môn cao, năng động để tuyển sinh được các lớp dạy nghề ngoài chỉ tiêu có hỗ trợ ngân sách Nhà nước thì tình trạng thừa giáo viên sẽ tiếp tục diễn ra ngày càng phổ biến.

 

Đối với 42 cơ sở dạy nghề do các bộ, ngành Trung ương quản lý và các cơ sở dạy nghề tư thục thì tình trạng thừa giáo viên còn bi đát hơn. Đơn cử như: Trường Cao đẳng Cơ điện luyện kim phải giảm gần 50 giáo viên cơ hữu bằng cách cho nghỉ chế độ trước tuổi. Còn các cơ sở dạy nghề khác như: Trung cấp nghề Thái Nguyên; Cao đẳng nghề Công nghiệp Thái Nguyên… đều phải ngừng tuyển dụng giáo viên mới, điều chuyển một bộ phận giáo viên đứng lớp sang làm các công việc hỗ trợ đào tạo.

 

Ông Trần Viết Thường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện luyện kim cho biết: 3 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, kết quả tuyển sinh thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch. Không đủ sinh viên đồng nghĩa với việc cán bộ, giáo viên thiếu việc làm nên chúng tôi phải sắp xếp, bố trí lại bộ máy để duy trì hoạt động. Còn ông Vũ Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc lại chia sẻ: Nhiều đơn vị trong Tập đoàn có chính sách hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ tiền ăn, ở cho sinh viên và sau khi tốt nghiệp sẽ bố trí việc làm với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Vậy mà chúng tôi vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu nên 2 năm nay, đơn vị không có nhu cầu tuyển giáo viên và khuyến khích giáo viên từ 55 tuổi trở lên đối với nam, 50 tuổi đối với nữ nghỉ chế độ.

 

Đến năm 2015, tỉnh sẽ có khoảng 670 nghìn người đến tuổi lao động, mục tiêu đề ra là có 55% số lao động được đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 37,5% trở lên. Như vậy, có thể thấy nguồn tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo nghề không thiếu, nhưng vì học sinh tốt nghiệp THPT chưa được phân luồng đi học nghề nên mới xảy ra chuyện giáo viên dạy nghề đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

 

Ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: “Ngoài tư tưởng trọng khoa cử, bằng cấp của người dân, còn bất cập trong công tác quy hoạch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Hiện toàn quốc có 540 trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp nhưng chỉ có 300 trường dạy nghề, tỷ lệ tuyển sinh tương ứng có hỗ trợ học phí từ ngân sách Nhà nước là 10/1 thì tất yếu trường nghề sẽ khó tuyển sinh. Theo tôi, Nhà nước cần có quy hoạch chung về vấn đề này và đưa ra lộ trình 5 năm tới về tiêu chí học sinh THPT thi đại học, cao đẳng phải có học lực từ khá trở lên để từng bước phân luồng học sinh vào các trường nghề…”.

 

 

Theo Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, để có đủ nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2012-2015, cần đào tạo nghề cho 27.000 người (23.000 người đào tạo nghề mới và 4.000 người đào tạo lại). Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ nên cần đào tạo nghề cho 30.000 người (25.000 người đào tạo nghề mới và 5.000 người đào tạo lại).