Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo cho rằng việc xếp loại đạo đức của học sinh còn dựa trên kết quả học tập.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận học sinh, cho biết theo các khảo sát gần đây tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt của học sinh phổ thông càng lên lớp cao thì càng giảm. Hiện tượng học sinh đánh nhau dưới nhiều hình thức, đánh lại thầy giáo, tung clip lên mạng làm cử tri và xã hội hết sức bức xúc.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có câu trả lời về những giải pháp của ngành để khắc phục tình trạng này cũng như để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh những diễn biến phức tạp ngoài Biển Đông.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, giáo dục đạo đức của học sinh, giáo dục toàn diện đối với học sinh, sinh viên đang là vấn đề Bộ tập trung chú ý. Bộ cũng đã có một số thay đổi trong chỉ đạo giải quyết vấn đề này.
Thứ nhất, chú ý hướng học sinh, sinh viên đến những hoạt động trải nghiệm. Bằng các giải pháp khác nhau gắn nhà trường với xã hội. Ngoài việc các thầy cô tổ chức dạy cho các cháu thì có các chủ thể khác: Hội cựu chiến binh, Hội cựu giáo chức, Hội phụ nữ để giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử. Bằng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực để gắn các hoạt động của địa phương, của cơ sở với hoạt động của nhà trường, thông qua các hoạt động này để giáo dục lòng yêu nước, lòng yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Bộ đang chỉ đạo đổi mới, thay đổi phương pháp dạy các môn học liên quan trực tiếp đến việc giáo dục đạo đức. Ví dụ giáo dục công dân trong nhà trường, các môn chính trị, thời gian tập huấn đầu năm học, đầu khóa học, phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức các phong trào, các hoạt động, giúp học sinh, sinh viên trưởng thành về nhận thức, hoàn thiện về kỹ năng, năng lực làm việc.
Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội không lệ thuộc so sánh vào tỷ lệ các cháu càng nhỏ thì đạo đức xếp càng cao, càng học lên cao thì đạo đức càng thấp. Bộ trưởng giải thích, ở bậc học cao, xếp loại đạo đức của học sinh còn đi liền với kết quả học tập, phải học giỏi, học xuất sắc, hay chí ít cũng phải học khá học sinh mới được xếp loại đạo đức tốt, còn học lực kém không thể có đạo đức tốt. Theo Bộ trưởng, việc xếp loại này là phù hợp, vừa hồng vừa chuyên cả hai mặt.
Bộ trưởng cũng cho biết, qua theo dõi phong trào học sinh, sinh viên Bộ nhận thấy nhận thức trong học sinh, sinh viên về cơ bản là tốt, đúng đắn. Tuy nhiên Bộ trưởng không coi nhẹ, không chủ quan về những biểu hiện cụ thể của tiêu cực mà các đại biểu đã đề cập, xin tiếp thu để tiếp tục phối hợp xử lý trong quá trình xây dựng nội dung chương trình, phương pháp dạy học của giai đoạn tới./.