Dự thảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập vừa được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến rộng rãi.
Theo chức danh nghề nghiệp, viên chức làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 hạng với các cấp độ từ cao xuống thấp.
Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I gọi là giảng viên hạng I; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II gọi là giảng viên hạng II; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng III gọi là giảng viên hạng III.
Giảng viên hạng I: Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh giảng viên hạng I theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.
Sử dụng thành thạo 1 trong 6 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật trong giao tiếp và hoạt động chuyên môn (đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên).
Đối với giảng viên ngoại ngữ thì năng lực ngoại ngữ thứ hai phải đạt trình độ bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên.
Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng thông dụng và sử dụng thành thạo ít nhất 1 phần mềm máy tính chuyên ngành phục vụ hoạt động chuyên môn.
Chủ trì biên soạn ít nhất 2 giáo trình môn học được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo hoặc 1 sách chuyên khảo; công bố ít nhất 15 bài báo, báo cáo khoa học thuộc chuyên ngành tại các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước...
Giảng viên hạng II: Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm; có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh giảng viên hạng II theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.
Có thể sử dụng 1 trong 6 ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung, Nhật trong trao đổi chuyên môn, tra cứu tài liệu (đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên).
Đối với giảng viên ngoại ngữ thì năng lực ngoại ngữ thứ hai phải đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên.
Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng; có thâm niên ở chức danh giảng viên hạng III (hoặc tương đương) ít nhất là 5 năm đối với giảng viên có bằng thạc sĩ, 3 năm đối với giảng viên có bằng tiến sĩ (không tính thời gian đi học nâng cao trình độ).
Chủ trì thực hiện ít nhất 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc 1 đề tài cấp bộ hoặc cấp nhà nước đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.
Hướng dẫn ít nhất 5 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng phụ ít nhất 1 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Chủ biên ít nhất 1 giáo trình môn học hoặc tham gia biên soạn ít nhất 2 giáo trình được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo. Có ít nhất 6 bài báo, báo cáo khoa học tại hội nghị quốc gia hay quốc tế…
Giảng viên hạng III: Có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên. Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh giảng viên hạng III theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.
Sử dụng được 1 ngoại ngữ để đọc tài liệu chuyên môn và giao tiếp thông thường (đạt trình độ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên).
Đối với giảng viên ngoại ngữ thì năng lực ngoại ngữ thứ hai phải đạt trình độ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên.
Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng. Biên soạn giáo án, tập hợp tài liệu tham khảo liên quan của bộ môn, chủ trì hoặc tham gia biên soạn sách hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm.
Tham gia nghiên cứu khoa học với các tập thể giảng viên, sinh viên; đề tài khóa luận tốt nghiệp được đánh giá cao về mặt khoa học…