Còn nhiều chuyện phải bàn về kỳ thi quốc gia 2015

08:17, 10/08/2014

Những ngày qua, dư luận đang "nóng" lên trước thông tin về việc hợp nhất hai kỳ thi quốc gia. Kết quả của kỳ thi quốc gia duy nhất này sẽ làm căn cứ để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Đó là mục tiêu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo hướng tới.

Hai trong một

 

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã công bố 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia để làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, áp dụng từ năm 2015.

 

Phương án 1: Thí sinh có thể dự thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; trong đó có 4 môn thi tối thiểu để làm căn cứ xét tốt nghiệp với 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn; các môn khác học sinh có thể chọn thi thêm để lấy căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng theo yêu cầu của nghành đào tạo do từng trường quy định.

 

Phương án 2: 8 môn thi trên sẽ chọn để tổng hợp thành 5 bài thi, 3 bài thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài tự chọn: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử và địa lý).

 

Phương án 3: Thí sinh phải tham dự 4 bài thi tổng hợp từ 11 môn học của chương trình phổ thông: Bài thi Toán – Tin (gồm Toán và Tin học), Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Công nghệ và Sinh học), Khoa học Xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân), Ngoại ngữ.

 

Việc xét tốt nghiệp dựa trên điểm thi của thí sinh theo quy định. Các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi quốc gia hoặc trình bộ phương án tuyển sinh riêng. Kỳ thi sẽ được tổ chức theo cụm, điểm và giao cho các sở giáo dục của các tỉnh chủ trì.

 

Bộ Giáo dục - Đào tạo  đã phân tích kỹ ưu, nhược điểm của từng phương án làm cơ sở xin ý kiến của các chuyên gia và toàn xã hội.

 

Ý kiến trái chiều

 

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Đề án trên, phần lớn các chuyên gia, nhà giáo dục và xã hội đều đồng tình với mục tiêu mà Bộ đề ra: Tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho xã hội, góp phần thay đổi quan niệm học tập và công tác kiểm tra, đánh giá…

 

Ngay trong Hội nghị tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng:  Việc thực hiện một kỳ thi là xu hướng chung, thể hiện sự thay đổi về chất của ngành Giáo dục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh - ông Lê Hồng Sơn-  cũng khẳng định: Việc đổi mới này đã có tác dụng rất lớn, thay đổi cách học thuộc lòng, máy móc từ trước đến nay...

 

Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến trái chiều bàn luận xung quanh vấn đề này.

 

Về thời gian thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi mới là vô cùng cần thiết nhưng đổi mới phải có lộ trình, có thời gian để cho xã hội chuẩn bị về cả tâm lý và và kiến thức. Quan trọng hơn, chính ngành Giáo dục cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả từ khâu dạy học. Hiện nay, sách giáo khoa còn chưa được đổi mới, vẫn biên soạn theo hướng phân môn. Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều người quan tâm là hiện nay, giáo viên được đào tạo theo môn học, thậm chí còn rất chuyên sâu, chưa được đào tạo theo kiểu tích hợp các môn khoa học cùng lĩnh vực. Nếu triển khai đổi mới theo hướng tích hợp các môn thi thì việc dạy học, kiểm tra đánh giá triển khai thế nào? Nếu vẫn thực hiện thi theo kiểu tích hợp thì bao nhiêu cán bộ chấm thi chấm một bài thi ?… Việc đổi mới thực hiện ngay từ năm 2015 là chưa khả quan.

 

Về các môn thi. Việc học gì kiểm tra nấy là cần thiết, nhưng thi thì không nhất thiết phải tất cả các môn. Việc tổ chức thi tất cả các môn học sẽ gây áp lực cho xã hội và làm cho học sinh thêm vất vả, cũng không tiết kiệm được chi phí. Vì vậy, vẫn nên lựa chọn phương án chọn môn thi cơ bản.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn hợp nhất hai kỳ thi thì việc áp dụng các môn thi ở phương án 1 là khả quan hơn cả ở thời điểm hiện tại.

 

Về việc nên hay không nên hợp nhất hai kỳ thi. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả.

 

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án hợp nhất hai kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng, không nên áp dụng như vậy. Với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mặc dù Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo một kỳ thi trung thực, hiệu quả nhưng việc các tỉnh tham gia trực tiếp khâu coi thi, chấm thi đã gây ra nhiều tiêu cực và kết quả là gần 100% học sinh đỗ. Do đó, kỳ thi này không cần thiết phải duy trì, gây tốn kém, chỉ cần xét tuyển là được. Nhưng với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cần phải tổ chức. Hiện nay, kỳ thi này cơ bản đảm bảo yếu tố chất lượng đầu vào.

 

Tại Hội thảo “Đối thoại giáo dục 2014” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, GS Ngô Bảo Châu đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học thì có thể xét tuyển, nhưng với kỳ thi đại học, cao đẳng thì nên tổ chức thi theo hình thức 3 chung như hiện nay. Tuy nhiên, đối với một số trường được coi là “trọng điểm”, nên cho thí điểm tuyển sinh riêng. Ý kiến trên của GS Ngô Bảo Châu đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn.

 

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến không đồng tình với phương án bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp mà chuyển thành xét tuyển sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, học đối phó và chất lượng giáo dục phổ thông sẽ theo đó mà đi xuống. Nếu kỳ thi này tổ chức nghiêm túc, hiệu quả thì học sinh sẽ chăm lo học ngay từ đầu năm và học sinh kém sẽ bị loại, không lo các trường đại học, cao đẳng chọn học sinh kém chất lượng. Do đó, chúng ta sẽ có những sinh viên có kiến thức toàn diện hơn trong bậc giáo dục đại học.

 

Cần thêm thời gian và nhiều ý kiến chuyên gia

 

Việc đổi mới là cần thiết, nhưng đổi mới từ đâu, đổi mới như thế nào mới lại là vấn đề cốt lõi. Nhiệm vụ chúng ta cần tập trung hiện nay là làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không hẳn chỉ là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá; mà cũng không nên chỉ tập trung đánh giá bậc học phổ thông và đầu vào đại học, mà việc giáo dục ở bậc đại học cũng là một vấn đề cần hết sức quan tâm hiện nay.

 

Trở lại vấn đề nêu trên, trước những ý kiến trái chiều, thiết nghĩ, việc thay đổi cũng cần có thêm thời gian cân nhắc và cần tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia để đảm bảo tình trạng “bình mới, rượu cũ” không xảy ra./.