Một trường THPT có hơn 35 thủ khoa, á khoa đại học

14:51, 06/08/2014

Đó là Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến (T.P Hồ Chí Minh). Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thủ khoa, á khoa ĐH-CĐ của Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến là 22 thủ khoa, 15 á khoa, tăng gấp đôi so với số lượng 11 thủ khoa năm ngoái.

Trong đó, cơ sở 4 (327 QL 13, Khu phố 5, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) là cơ sở có số lượng thủ khoa, á khoa đông nhất của trường với 11 thủ khoa, 7 á khoa.

 

Một lớp có đến 5 thủ khoa, 6 á khoa

 

Lớp 12D1 (cơ sở 4, quận Thủ Đức) là một trong những lớp dẫn đầu về chất lượng học cũng như thành tích trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ. Lớp có 5 thủ khoa, là: Dương Thanh Minh - Thủ khoa Trường Đại học Công nghệ Thông tin T.P Hồ Chí Minh (28 điểm), Phan Tiến Bảo Anh - Thủ khoa Trường Đại học Kinh tế Luật T.P Hồ Chí Minh (27 điểm), Nguyễn Hữu Tấn - Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh (26 điểm), Phan Tuấn Anh - Thủ khoa Trường Đại học Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh (26 điểm), Nguyễn Thanh Thảo Tâm - Thủ khoa Trường Đại học Thủ Dầu Một Bình Dương (25 điểm).

 

Phạm Quốc Quang Sang, Nguyễn Trung Hậu, Nguyễn Thành Phương cùng đạt danh hiệu Á khoa Trường Đại học Bách khoa T.P Hồ Chí Minh với 28 điểm. Nguyễn Thị Yến Nhi và Phan Anh Tài đồng điểm 27 trở thành Á khoa Trường ĐH Kinh tế T.P Hồ Chí Minh. Nguyễn Hữu Thành, á khoa Khoa Y,  ĐH Quốc gia T.P Hồ Chí Minh với 27 điểm.

 

Chia sẻ về kết quả này, thầy Lê Gia Thanh Phong, quản nhiệm của lớp cho biết: “Các em đạt thủ khoa, á khoa đều là những em có ý thức học tốt, điểm kiểm tra bao giờ cũng nằm ở top trên. Khi biết thông tin thì nhà trường có thông báo về cho các em, các em vui lắm, thầy cô chúng tôi cũng rất mừng. Nhưng đậu được ĐH thì cũng chỉ là mới bắt đầu thôi, sau này các em còn một chặng đường rất dài khoảng 4 năm, 5 năm, nếu học ngành Y thì 7 năm. Vì thế các em không được chủ quan mà phải tiếp tục phấn đấu, cố gắng hơn nữa”.

 

Theo thông tin thầy Phong cung cấp, đa số các thủ khoa của lớp có nguyện vọng vào ngành Y và vẫn đang chờ kết quả thi để lựa chọn trường ĐH phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

 

“Không chấp nhận thất bại”

 

Đó chính là tôn chỉ mà GS. Lê Trí Viễn và Nhà giáo Nguyễn Ngọc Phấn từ khi thành lập Trường THPT-THCS Nguyễn Khuyến đã đề ra.

 

Nói về tư tưởng này, cô Nguyễn Yên Chi, Phó Hiệu trưởng trường cho biết: “Khi HS vào trường, chúng tôi mong muốn các em phải tự học. Để không thất bại thì mỗi em phải nỗ lực cố gắng hết mình. Tất cả mọi việc mình làm không phải việc nào cũng thành công được. Nếu gặp những việc khó mà HS dễ dàng bỏ cuộc thì đó chính là sự thất bại và chúng ta không nên chấp nhận điều đó. Mục tiêu ban đầu của nhà trường là các em phải ngoan, phải đậu được tốt nghiệp THPT. Dần dần mục tiêu được nâng cao là phải đậu được ĐH, CĐ. Hiện tại chúng tôi đang hướng tới mục tiêu HS vào trường là phải đậu được ĐH”.

 

Còn theo thầy Lê Văn Ngộ - Tổng quản nhiệm cơ sở 4 Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến, mục tiêu của trường là chất lượng chứ không phải số lượng. Các em vào trường thì cần xác định rõ mục tiêu là phải đậu được vào ĐH và từ đó phấn đấu học tập.

 

Về kết quả thi ĐH-CĐ của các HS năm nay, cô Chi chia sẻ, trường rất vui và bất ngờ. Thứ nhất là năm nay trường có được thủ khoa Đại học Ngoại thương, năm ngoái thì chỉ đạt á khoa thôi. Thứ hai là dù cấu trúc đề thi có đổi mới nhưng nhìn chung các em làm bài vẫn tốt.

 

Bên cạnh đó, khi trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, thầy Hoàng Thái Dương, Phó Hiệu trưởng đồng thời là giáo viên Anh đã hơn 20 năm gắn bó với trường, cho biết không chỉ học sinh, mà giáo viên, các lãnh đạo, cán bộ tại trường đều đòi hỏi phải tiến bộ.

 

“GV phải tiến bộ, đổi mới thì học sinh mới tiến bộ, đổi mới theo được. Chúng tôi quan điểm tất cả các em học sinh đều có năng lực và khát vọng vươn lên. Trách nhiệm của giáo viên là phải làm sao để khơi gợi và phát huy được năng lực đó. Đồng thời phải thường xuyên biên soạn, cải biến, đổi mới bài giảng, giáo trình sao cho phù hợp với xu hướng hội nhập, phù hợp với đối tượng HS”.

 

Cũng như những ngôi trường khác, khi mới thành lập, Trường THPT-THCS Nguyễn Khuyến cũng gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, trường chỉ có 4 lớp, phải thuê phòng học ở trường THPT Ernst Thalmann, Trường THPT Đồng Khởi. Hơn 20 năm, với sự cố gắng, tiến bộ từng ngày của thầy trò và ban lãnh đạo, trường trở thành một trong những trường tư thục lớn của thành phố với hơn 6.000 HS, có quy mô 5 cơ sở, gần 180 phòng học.

 

Thành tích, chất lượng dạy và học cũng có sự tiến bộ vượt bậc. Trong 12 năm trở lại đây, trường có tỷ lệ đậu 100% trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, nhiều năm nay trường có tỷ lệ đậu khoảng 92% đến 97%. Năm 2013, tỷ lệ thí sinh đậu ĐH NV1, NV2 rất cao 97,8%.

 

Ông Phan Chính (Long Khánh) đưa cháu ngoại là Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1996) vào trường xin xét tuyển chia sẻ: “Trước đây tôi có mấy đứa cháu vào học ở trường thấy dạy tốt nên mới đưa cháu Trang vào học cấp 3 ở đây. Thành danh thì mừng rồi nhưng quan trọng là thành nhân. Trường ở đây kỉ luật, nề nếp rất tốt. Nhà ở xa nên gửi cháu vào nội trú để cháu vừa học tập vừa ở cùng với bạn bè”.

 

HS Phùng Hoàng Nhựt (lớp 10C8), em trai của Phùng Duy An - Thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vui vẻ: “Cả gia đình em đều muốn em học ở trường này. Anh em trước đây cũng từng học và đã đạt được thành tích khá cao. Em cũng đang phấn đấu để được như anh mình”. Cũng giống như Nhựt, HS Võ Trọng Trí (lớp 10C6) đang phấn đấu để đạt kết quả học tập như người anh trai đã từng học ở trường THPT Nguyễn Khuyến và đậu vào trường ĐH Hàng không.

 

HS Trương Nguyễn Phương Nam (lớp 10C3) cho biết: “Từ cấp 2 em đã học ở đây. Chuyện học nói chung cũng khá áp lực, phải phấn đấu để đạt được nhiều thành tích để theo kịp các bạn. Nhà ở xa nên em học nội trú ở đây, trường học cũng giống như gia đình thứ hai của em vậy”.