Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thời hạn xét tuyển của các trường đại học kết thúc ngày 31/10/2014 đối với trường đại học và ngày 15/11/2014 đối với trường cao đẳng. Tuy nhiên, nhiều trường đại học (ĐH) sẽ không kéo dài thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường công bố công khai các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển, thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày (đối với thí sinh tham dự kỳ thi chung). Công bố kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20/8/2014, kết thúc ngày 31/10/2014 đối với trường đại học và ngày 15/11/2014 đối với trường cao đẳng.
Với mức điểm sàn 3 (mức điểm sàn tối thiểu) thì số thí sinh đạt khoảng 65%. Nghĩa là, khoảng 650.000 thí sinh đạt và chỉ tiêu ĐH khoảng 350.000. Như vậy nguồn tuyển lấy gần gấp đôi, như vậy sẽ rất dồi dào. So với năm 2013, mức dôi dư lớn hơn. Chẳng hạn như, hệ số dư khối A, D1 là 1,7 cao hơn năm trước (năm 2013 là 1,5).
Lượng dôi dư khá lớn năm nay sẽ là nguồn tuyển dồi dào cho các trường. Tuy nhiên, đối với thí sinh, nó sẽ khiến cho cuộc đua nguyện vọng 2 trở lên khốc liệt hơn, đặc biệt là ở những trường top trên.
Nhiều trường đại học chỉ xét tuyển NV2 một đợt chứ không kéo dài như theo quy định của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Đàm Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho biết: “Nhà trường chỉ xét tuyển NV2 1 đợt, kết thúc vào ngày 10/9 để nhà trường ổn định, sắp xếp thí sinh vào năm học mới”.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chỉ nhận hồ sơ xét tuyển NV2 đến 17h00’ ngày 12/9/2014 (trừ Chủ nhật và Ngày lễ), theo lãnh đạo Học viện, nhà trường không muốn kéo dài xét tuyển vì như thế rất phức tạp không mang lại hiệu quả.
Trường ĐH Thủy lợi nhận hồ sơ xét tuyển NV2 trước 17 giờ 00 ngày 15/9/2014. Theo lãnh đạo nhà trường, kết thúc nguyện vọng 2 nếu chưa đủ chỉ tiêu thì nhà trường sẽ cân nhắc có xét thêm đợt 2 nữa không, nếu đủ chỉ tiêu thì kết thúc để ổn định năm học cho sinh viên.
Thí sinh được quyền rút hồ sơ xét tuyển
Về việc nộp hồ sơ xét tuyển, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nếu có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Khi đăng ký xét tuyển, thí sinh lưu ý, đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.