Chấn chỉnh việc lạm thu đầu năm học

09:05, 30/09/2014

Lạm thu đầu năm học là vấn đề khiến không ít phụ huynh, học sinh đều cảm thấy ngao ngán, lo sợ và bức xúc. Ðể hợp thức hóa, không ít cơ sở giáo dục đã có "quy định ngầm" thông qua hình thức thu "tự nguyện". Vậy vì sao chuyện này vẫn tiếp diễn nhiều năm tại nhiều trường và nhiều địa phương nhưng vẫn chưa có hồi kết?

Núp bóng việc thu "tự nguyện"

 

Ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân tại nhiều địa phương cho thấy, việc lạm thu đầu năm học diễn ra hết sức "công khai" với nhiều hình thức khác nhau. Mới đây, Ðoàn thanh tra liên ngành (tỉnh Kon Tum) vừa thanh tra tại Trường tiểu học Trần Phú (TP Kon Tum) và buộc nhà trường trả lại hơn 118 triệu đồng cho gần 800 học sinh. Trước đó, nhà trường đã thu sai các khoản: Thuê người quét dọn vệ sinh, in sổ liên lạc, mua giấy kiểm tra, mua nước uống cho học sinh... Giải thích về các khoản thu sai nói trên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú, Hoàng Văn Khiêu cho rằng, đây là các khoản nhà trường chỉ "thu hộ", "chi hộ" vì tất cả phụ huynh đã thống nhất đóng góp cho con em mình.

 

Trường THPT Ngọc Lặc (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) tự ý thu hơn 300 triệu đồng của học sinh đầu cấp nhưng không thông qua và chưa được sự đồng ý của phụ huynh dẫn tới nhiều người bức xúc, phản đối. Thanh tra Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Thanh Hóa vào cuộc và làm rõ: Nhà trường đã thu sai quy định các khoản: Hỗ trợ làm nhà xe 150 nghìn đồng/học sinh; bảo hiểm tự nguyện 60 nghìn đồng/học sinh; may đồng phục đông, hè 220 nghìn đồng/học sinh. Tổng ba khoản thu sai quy định là hơn 187 triệu đồng. Ngoài ra, Trường THPT Ngọc Lặc, mặc dù chưa họp phụ huynh, nhưng đã tổ chức thu học phí cả năm là chưa đúng quy trình, quy định. Thanh tra Sở GD và ÐT Thanh Hóa đã xử phạt 15 triệu đồng đối với Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc Trịnh Bá Phòng về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; buộc hiệu trưởng cũng như cá nhân có liên quan kiểm điểm, trả lại học sinh số tiền đã thu trái quy định.

 

Tương tự, nhiều phụ huynh ở xã vùng sâu Quảng Sơn (Ðác Glong, Ðác Nông) cho biết: Bước vào năm học mới 2014-2015, Trường THCS và THPT Lê Duẩn, xã Quảng Sơn có những khoản thu và hình thức thu bất hợp lý, gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh. Cụ thể, từ tháng 6-2014, khi bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh các khối 6 và 10, nhà trường đã tiến hành cùng lúc việc thu tiền đồng phục khi chưa phổ biến và lấy ý kiến của phụ huynh học sinh. Do đó, mỗi học sinh bắt buộc phải đóng khoản tiền đồng phục từ 410 nghìn đồng đến 675 nghìn đồng tùy khối lớp, lúc đó nhà trường mới nhận hồ sơ nhập học. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học vào giữa tháng 9 vừa qua, nhà trường lại khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc khi yêu cầu mỗi học sinh phải đóng 70 nghìn đồng để làm sổ liên lạc điện tử. Ông Nguyễn Anh Ðức, nguyên Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh của nhà trường cho biết: Trong năm học trước, điều gây bức xúc đối với các bậc phụ huynh là ngoài các khoản thu bất hợp lý, nguồn quỹ hội cha mẹ học sinh cũng do nhà trường nắm giữ và không công khai, giải trình các khoản chi theo yêu cầu của phụ huynh. Thậm chí, thời gian qua, ban giám hiệu nhà trường còn tự ý quyết định chi nhiều khoản từ nguồn quỹ hội nhưng không thông qua Hội Cha mẹ học sinh, như chi 70 triệu đồng trong lễ tổng kết năm học 2013-2014. Sau khi phụ huynh học sinh phản đối, Sở GD và ÐT Ðác Nông vào cuộc thanh tra, yêu cầu nhà trường trả lại những khoản thu không đúng quy định cho học sinh, đồng thời yêu cầu hiệu trưởng làm bản cam kết không tái phạm.

 

Mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại Trường tiểu học số 2 Võ Xán (Tây Sơn, Bình Ðịnh) cũng tỏ ra khá bức xúc khi nhà trường yêu cầu học sinh mặc đồng phục tùy kích cỡ với giá từ 160 nghìn đồng đến 175 nghìn đồng/bộ do trường bán. Ðiều đáng nói, trước khi bước vào năm

 

học mới, phần lớn phụ huynh đã chủ động may, mua đủ quần áo cho các em. Trước sự việc nói trên, Trưởng phòng GD và ÐT huyện Tây Sơn yêu cầu hiệu trưởng nhà trường nghiêm túc nhận khuyết điểm và xin lỗi công khai đến toàn thể phụ huynh, học sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh Trường THCS Colette (quận 3) cũng tỏ ra lo lắng trước thông tin nhà trường "sẽ vận động đóng góp" xây dựng ba nhà vệ sinh thông minh với tổng số tiền là hai tỷ đồng. Trả lời thắc mắc của phụ huynh, Trường THCS Colette cho biết, do khu nhà vệ sinh xây đã lâu cho nên nhà trường xin ý kiến của phụ huynh để thông qua việc này. Trường tiểu học Bình Trị Ðông (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) vốn được xem là trường "nghèo" nhưng cũng có khá nhiều khoản thu theo hình thức "tự nguyện": Thu hộ tiền BHYT, bảo hiểm tai nạn, quỹ hội, quỹ lớp... gần 700 nghìn đồng/học sinh khiến nhiều người không khỏi hoang mang, bức xúc.

 

Minh bạch việc thu, chi

 

Qua thăm dò ý kiến, phần lớn phụ huynh ở các địa phương cho rằng, các khoản thu, chi đầu năm học nếu giúp học sinh học tập, phát triển tốt hơn, nhà trường cần minh bạch, có bảng kê chi tiết để tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Hoa, có con học tại Trường THCS Trần Ðại Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng cho biết: Các khoản thu đầu năm tại nhà trường năm nào cũng giống nhau, trường vừa xây mới nhưng chưa thu khoản nào ngoài quy định của thành phố. Bà Trần Thị Thúy Hà, Phó trưởng Phòng GD và ÐT quận Hải Châu khẳng định: Hiện tại, các trường trên địa bàn quận đã đưa ra bảng kê chi tiết các khoản thu đầu năm học sau buổi họp phụ huynh. Nhà trường không tự ý đứng ra thu bất cứ khoản đóng góp nào của phụ huynh học sinh, ngoài quy định.

 

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Ngay từ đầu năm học, ngành GD và ÐT Hà Nội không chỉ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc thu, chi mà còn công khai những khoản đóng bắt buộc, tự nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tới hội cha mẹ học sinh. Sở GD và ÐT Hà Nội đã thành lập năm đoàn kiểm tra đối với tất cả các quận, huyện, nhất là những địa phương "có tiếng" trong việc thu, chi chưa đúng quy định. Những năm trước đây, nhiều phụ huynh bức xúc về việc phải đóng tiền may đồng phục thì năm nay Sở GD và ÐT Hà Nội đã quán triệt không bắt học sinh ngay từ đầu năm phải may đến ba bộ đồng phục; những học sinh dùng đồng phục từ những năm trước vẫn có thể tiếp tục sử dụng trong năm học 2014-2015. Sở GD và ÐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường ở cấp tiểu học, mầm non không tổ chức cùng lúc quá nhiều câu lạc bộ dạy thêm, học thêm vì nhiều phụ huynh cho rằng, các em không chỉ bị thu phí cao mà còn phải chịu quá tải khi học tới ba ca/ngày (gồm hai buổi theo chương trình chung và một buổi học câu lạc bộ). TP Hà Nội quy định, các trường không chi cho giáo viên bằng nguồn quỹ hội cha, mẹ học sinh. Khi đã có quỹ hội cha, mẹ học sinh thì không có quỹ trường, quỹ lớp...

 

Sở GD và ÐT Thanh Hóa đã có công văn hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách và công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu trong nhà trường, năm học 2014-2015. Theo đó, Sở GD và ÐT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị, trường học tuyệt đối không được thu các khoản kinh phí để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí như: Chi công tác dạy, học, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền bảo vệ trường; không được thu tiền làm vệ sinh lớp, trường đối với học sinh phổ thông, để học sinh tự làm nhằm rèn luyện kỹ năng sống, ý thức lao động. Các khoản thu thỏa thuận phục vụ cho học sinh như: Tiền phục vụ bán trú, trang thiết bị, tiền trông trẻ ngoài giờ, tiền ăn trưa với học sinh học hai buổi/ngày, mua sắm trang phục, phù hiệu, bảng tên, hồ sơ học sinh... phải căn cứ từ nhu cầu thực tế, thống nhất chủ trương, kế hoạch triển khai, công khai đến cha mẹ học sinh về nội dung, mục đích, mức thu trên nguyên tắc thu đủ chi và phải quyết toán theo quy định, bảo đảm dân chủ, công khai.