Đổi mới công tác thi là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn

11:14, 26/09/2014

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Quyết định số 3538 về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015. Theo đó, kỳ thi này nhằm 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) thay cho việc phải tổ chức 2 kỳ thi riêng lẻ như trước đây. Sau khi quyết định được ban hành, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là học sinh (HS) khối 12 tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng. Để độc giả hiểu rõ hơn về quyết định này, cũng như cách thức tổ chức kỳ thi, PV Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, những cơ sở nào để Bộ GD&ĐT đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ bằng cách tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015?

 

Ông Mai Văn Trinh: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) yêu cầu: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Luật Giáo dục ĐH số 08/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Trong nhiều năm qua các trường phổ thông đã từng bước đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Bài kiểm tra, kỳ thi trong các nhà trường đã bước đầu đổi mới theo hướng đánh giá năng lực HS, giảm yêu cầu HS phải ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đặc biệt, đã bước đầu đổi mới trong cách thức ra đề thi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ. Dạng câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn, các câu hỏi mở đã được sử dụng ngày càng nhiều trong đề thi ở các kỳ thi.

 

Những thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2014 vừa qua đã được xã hội đồng tình, ủng hộ càng củng cố thêm cơ sở thực tiễn của việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT, các đơn vị chức năng đã chủ động xây dựng lên các phương án về mặt kỹ thuật để tổ chức tốt kỳ thi này. Chúng tôi sẽ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để các cơ sở giáo dục đại học, các trường THPT, sở GD&ĐT chủ động triển khai công tác này, để kỳ thi diễn ra trong thế chủ động, đạt được các mục tiêu đề ra.

 

PV: Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 3 môn thi bắt buộc, nhiều giáo viên, HS lo ngại rằng nếu quy định như thế này sẽ dẫn đến việc học lệch của HS, ông có thể lý giải thêm về quyết định này?

 

Ông Mai Văn Trinh: Câu chuyện 2 chữ học lệch chúng ta có bình luận thêm để mọi người hiểu như thế này. Chủ trương trong kỳ thi THPT quốc gia cho phép thí sinh chọn môn thi là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI. Nghị quyết số 29 nêu rõ trong bậc học phổ thông phải phân hóa dần, phân hóa sâu và hướng tới định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho HS. Thực tế, chương trình phổ thông hiện nay chúng ta đã sử dụng phân ban kết hợp với tự chọn, cho nên việc cho thí sinh lựa chọn môn thi là phù hợp tinh thần Nghị quyết số 29 và tình hình thực tế hiện nay. Nghị quyết số 29 cũng nêu rõ: Học vấn phổ thông cơ bản trang bị cho các em khi các em kết thúc bậc THCS ở đấy là tích hợp sâu, còn lên bậc THPT sẽ phân hóa dần để theo định hướng nghề nghiệp, phân luồng HS sau THCS. Vì vậy, việc sử dụng kết hợp đánh giá kết quả học tập lớp 12 với điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là việc hướng đến khắc phục tình trạng học lệch. Vì điểm trung bình học tập lớp 12 được phân cấp cho giáo viên các trường THPT thực hiện trong quá trình dạy học ở trường. Đây là yếu tố yêu cầu HS phải học ít nhất đạt yêu cầu tối thiểu đối với tất cả các môn học quy định trong chương trình phổ thông. Trên cơ sở nền tảng các kiến thức cơ bản như vậy các em tập trung thêm vào những môn thuộc năng lực, sở trường của mình. Vì thế, lệch ở đây là lệch về năng lực sở trường của các em, chứ không lệch theo nghĩa tiêu cực mà chúng ta hiểu lâu nay. Ở đây, đặt ra yêu cầu các nhà trường, các sở phải có những biện pháp quản lý thích hợp thật chặt chẽ để quá trình đánh giá các em trong quá trình học tập phản ánh khách quan kết quả học tập của HS….

 

PV: Thực tế kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước ở Thái Nguyên và toàn quốc số thí sinh chọn môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn thấp, vậy vì sao Bộ GD&ĐT lại quyết định đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc bắt đầu từ kỳ thi năm nay?

 

Ông Mai Văn Trinh: Việc đưa môn ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia chính là việc mà chúng ta từng bước chủ động để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu nền kinh tế thế giới. Việc đưa môn ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc tạo động lực, ra yêu cầu để các nhà trường thực dạy, thực học môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, do điều kiện dạy học khác nhau các nhà trường do điều kiện khác nhau nên chất lượng dạy học môn ngoại ngữ khá là khác biệt giữa nội thành và ngoại thành, giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng kinh tế phát triển và vùng kinh tế chậm phát triển.

 

Chính vì thế, Bộ GD&ĐT có chủ trương trong những năm đầu, những nơi nào mà điều kiện dạy học ngoại ngữ chưa bảo đảm thể hiện ở 4 khía cạnh chính như sau: Thứ nhất là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ chưa đủ về số lượng, không đạt chuẩn về năng lực tiếng cũng như năng lực dạy học. Thứ hai là những nơi nào các em học ngoại ngữ không liên tục; thứ 3 là những thí sinh nào đó do điều kiện chuyển trường các em phải đổi môn ngoại ngữ và thứ tư là những trường đóng ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn không bảo đảm những yêu cầu tối thiểu về dạy học ngoại ngữ thì căn cứ vào đấy sở giáo dục & đào tạo, báo cáo Bộ GD&ĐT quyết định cho các em lựa chọn môn thi thay thế. Nhưng ta hiểu rằng đây chỉ là giải pháp tình thế trước mắt phù hợp với tình hình hiện nay. Về lâu dài chúng ta phải đặt ra yêu cầu để các nhà trường tích cực chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong dạy học ngoại ngữ để HS ở những trường này sớm tham gia thi ngoại ngữ theo quy định chung.