Mái ấm vùng cao

15:03, 25/09/2014

“Nhà học sinh cách trường 8-10 cây số đường rừng, vì đi lại khó khăn mà mỗi năm lớp học lại vơi đi vài em. Nay có căn nhà bán trú được dựng lên giúp cho các em an tâm ở lại tập trung học tập”.

Với diện tích sử dụng 150m2, đủ 60 chỗ ở cho học sinh, căn nhà kết cấu thép được lợp bằng tôn cách nhiệt, vách ngăn kim loại tổng hợp cách âm, nền gạch men bóng khiến cho căn nhà trở nên vững chãi trong khuôn viên của Nhà trường. Đồng chí Lê Định Tấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết: Những năm học trước, mỗi năm sau khi khai giảng, học sinh nghỉ học giữa chừng toàn huyện bình quân 40-50 em nguyên nhân chính là hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các em đi học xa, thiếu chỗ ở. Các trường cũng đã huy động phụ huynh góp sức dựng nhà tạm để học sinh lưu trú, hết tuần lại về nhà lấy gạo, thức ăn khô... nhưng sau mỗi trận mưa bão, nhà lại xuống cấp, sửa mãi cũng không bảo đảm an toàn.

 

Hai năm trở lại đây, thông qua các chương trình chung tay giúp đỡ trường học của các tổ chức, các nhà hảo tâm, nên huyện đã có thêm hai ngôi nhà tập thể bán trú vững chắc cho học sinh ở lại tại xã Nghinh Tường và Vũ Chấn nên đã giải quyết cơ bản được tình trạng trọ học của các em học sinh vùng sâu, vùng xa ở hai xã này. Chung sức với nguồn vốn hỗ trợ 250 triệu đồng của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để dựng khu nhà bán trú cho học sinh vùng cao xã Vũ Chấn, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phú Sơn 4 tặng 30 cặp giường tầng, Viettel Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Xi măng Quang Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư và sản xuất công nghiệp, Câu lạc bộ Tâm thiện Thái Nguyên đã hỗ trợ xi măng, gạch men lát nền, chăn, gối, bàn học cá nhân... để dựng lên ngôi nhà khang trang, sạch đẹp.

 

Bận rộn cùng các em học sinh và phụ huynh đến từ các bản Khe Rịa, Khe Cái, Cao Sơn dựng lại khu bếp ăn được di chuyển từ căn nhà gỗ trước đây do phụ huynh học sinh dựng lên làm nhà trọ, cô giáo Ma Thị Thì, chủ nhiệm lớp 6A phấn khởi: Có nhà bán trú mới khang trang, nên năm học này, Trường đón nhận thêm 3 học sinh đã nghỉ học trở lại học từ đầu. Cô Thì nhớ lại: Khi chưa có nhà bán trú và các chế độ hỗ trợ gạo của Nhà nước cho học sinh vùng khó khăn đi học, năm nào chuẩn bị đón năm học mới là Nhà trường lại phân công giáo viên đến từng nhà học sinh thống kê, vận động các em ra lớp. Có những hôm trên đường từ bản Cao Sơn về, gặp lũ quét, nước dâng lên cuồn cuộn, chúng tôi lại trở về bản ngủ lại với bà con và các em học sinh chờ hôm sau nước rút mới vượt suối về Trường. Lúc ấy chúng tôi mới thấu hiểu và cảm thông những buổi sớm tờ mờ sáng, từ 4-5h, các em đã phải cắp sách trèo đèo, lội suối đến trường. Nhiều hôm các em không thể về nhà vì mưa lũ, cô trò lại quây quần trong căn nhà tập thể (nhà công vụ) để đón buổi học sớm hôm sau.

 

Mặc dù mô hình trường bán trú, học sinh tự sinh hoạt riêng một khu, tự quản sau giờ học chính khóa, nhưng cả thầy Nam, cô Thì và giáo viên trong Trường gần như nhớ tên, nơi ở và biết tính của tất cả gần 100 học sinh ở khu tập thể nhà bán trú. Thầy Nam tâm sự: “Sau giờ học, thầy trò lại cùng nhau trồng rau, nuôi gà... có nhiều bữa thương học sinh, các thầy, cô lại tổ chức nấu cơm chung cho các em ở tập thể”.

 

Em Bàn Thị Viện và Bàn Thị Thảo từ bản Khe Rịa năm nay trở lại Trường theo học lớp 6, sau khi nghỉ giữa chừng từ năm 2012, không giấu nổi xúc động: “Hè vừa rồi các cô lên bản vận động mẹ cho em ra lớp vì thông báo là có nhà bán trú mới, không phải sớm đến lớp, tối về nhà như trước nữa, nên em xin học lại. Bỏ học lâu, quên hết kiến thức, nhưng được cô dạy học, bảo ban cách sinh hoạt ân cần như mẹ ở nhà, nên em không thấy xấu hổ và ngại ngùng”. Bàn Thị Thảo cho biết thêm: Trong bản trước đây còn nhiều bạn phải bỏ học vì đi xa quá và khó khăn. Chị của Thảo cũng nghỉ học dở chừng lớp 6, ở nhà mấy năm sau, có người đến dạm hỏi thế là đi lấy chồng. Nhưng bây giờ cuộc sống vẫn khó khăn, chữ viết cũng dần quên hết...

 

Một năm học mới với những niềm vui mới đang bắt đầu đến với thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Vũ Chấn. Mong rằng sự chung tay giúp sức xây dựng nhà bán trú cho học sinh, cùng sự trở lại với lớp, với trường của các em đã bỏ học sẽ củng cố thêm niềm tin vào sự nghiệp trồng người nơi vùng cao gian khó.