Một giải pháp sư phạm cho đổi mới GD&ĐT

09:13, 09/09/2014

Thế giới ở thế kỷ 21 thách thức và buộc việc học tập phải đổi mới không ngừng. Môi trường làm việc trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng tư duy bậc cao hơn, cộng đồng được kết nối tốt hơn thông qua công nghệ và truyền thông.

Do vậy, các cá nhân phải có khả năng phát triển kỹ năng riêng của bản thân để theo kịp với môi trường trong xu thế toàn cầu hóa. GD phải thay đổi để HS được làm chủ và các em tự quản lý quá trình học tập của bản thân là mục tiêu quan trọng nhất của sự nghiệp đổi mới GD. Mô hình VNEN đáp ứng các yêu cầu đó.

 

Trước đòi hỏi của thời đại, GD phải coi trọng, chuyển biến vị trí của người học từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức, nâng cao hiệu quả học tập. GD phải coi trọng tính sáng tạo, tính độc lập, tính tích cực là những điều kiện, đồng thời là kết quả của sự phát triển nhân cách của người học.

 

Cùng với giáo viên, gia đình và cộng đồng, HS cũng là một chủ thể, là nhân vật trung tâm trong quá trình giảng dạy, hay chính xác hơn, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong các hoạt động sư phạm ở nhà trường. Đây là quan điểm, là tư tưởng của mọi nền giáo dục hiện đại và tiên tiến trên thế giới.

 

Khi coi hoạt động học của HS có vai trò trung tâm trong quá trình dạy, chúng ta không nên hiểu bó hẹp đó chỉ là một phương pháp dạy học cụ thể mà nó phải được coi là chiến lược, tư tưởng, hòn đá tảng, kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, chi phối cả chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông.

 

Nghĩa là nó chi phối mục tiêu, nội dung dạy học, phương pháp đánh giá, cách thức tổ chức dạy học và các phương tiện, kỹ thuật dạy học khác nhau. Nó nhấn mạnh tính hoạt động tích cực của người học và tính nhân văn của giáo dục.

 

Nó phù hợp với đặc tính ưa hoạt động của trẻ em. Người học, học bằng hoạt động, thông qua hoạt động của chính mình, để chiếm lĩnh kiến thức, hình thành năng lực và những phẩm chất của người lao động.

 

Nhìn chung, dạy học theo tư tưởng đổi mới (mô hình VNEN), thường có một số đặc trưng cơ bản sau:

 

1- Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của HS. Tổ chức các hoạt động học tập của HS cần phải trở thành trung tâm của quá trình GD.

 

2- Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề. Đây là những phẩm chất và điều kiện tốt nhất để có thể duy trì thói quen học tập thường xuyên và học tập suốt đời.

 

3- Tăng cường việc học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác và học nhóm. HS là chủ thể của quá trình học, tự mình chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Tạo ra môi trường học tập tương tác, thầy - trò, trò - trò vì thế nó có tác dụng rất tốt để phát huy năng lực của mỗi cá nhân HS.

 

4- Dạy và học chú trọng tới sự quan tâm và hứng thú của HS, nhu cầu và lợi ích của xã hội. Dạy HS trên những gì các em đã có; tạo hứng thú, óc tò mò, sáng tạo. HS phải biết cách làm việc độc lập, sáng tạo, biết tổ chức công việc để giải quyết các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu đa dạng, phức tạp của công việc sau này.

 

5- Dạy và học coi trọng hướng dẫn tìm tòi, học qua trải nghiệm. Giáo viên hướng dẫn mang tính định hướng mà không có ý áp đặt trong quá trình học của HS.

 

6- Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, của gia đình, cộng đồng. Ngoài đánh giá kết quả học (đánh giá kết thúc) rất coi trọng đánh giá bằng nhận xét qua quá trình học của HS (đánh giá theo tiến trình, đánh giá theo từng phần).