“Phương án kỳ thi THPT Quốc gia yêu cầu thí sinh thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn. Tôi cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn của Bộ GĐ&ĐT” - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên - ông Phan Quang Thế - nhận định.
Học sinh sẽ không còn học lệch
Ông Phan Quang Thế |
Theo ông Phan Quang Thế, thực ra với thi 3 môn bắt buộc đã đủ đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh.
Thi môn Toán giúp đánh giá góc độ trí tuệ và mức độ tư duy logic; thi môn Ngữ Văn đánh giá được góc con người và tâm hồn; còn thi môn Ngoại ngữ sẽ đánh giá được năng lực tiếp thu và làm chủ cái mới, một công cụ quan trọng để người sinh viên hội nhập quốc tế trong tương lai.
Là một nhà kỹ thuật, bên cạnh niềm yêu thích với môn Toán, tôi cũng đánh giá rất cao môn Ngữ văn; bởi từ thực tế trải nghiệm, tôi thấy rõ rằng, thế mạnh của mình không phải bắt nguồn từ trí thông minh mà lại chính từ trái tim nhân văn của con người biết cảm nhận cuộc sống và hy sinh phấn đấu vì nó.
Còn Ngoại ngữ, một nhà văn Xô viết từng nói: “Học thêm được một ngoại ngữ biết thêm một cuộc đời”; Bác Hồ cũng khẳng định: Biết thêm một ngoại ngữ là có thêm một cái chìa khóa để mở kho tàng tri thức của nhân loại.
Môn tự chọn sẽ giúp học sinh thể hiện được khía cạnh yêu thích đam mê cuộc sống của con người.
Việc bỏ các khối thi là một quyết định sáng suốt vì cải cách được giáo dục phổ thông một cách có hiệu quả. Đó là học sinh sẽ không học lệch mà phải học một cách toàn diện những môn có thể nói là chìa khóa để bước vào đời hoặc mái trường đại học.
Về đề thi, có lẽ điều đáng quan tâm nhất là ra đề cơ bản, không khó, nhưng dài để kiểm tra rộng kiến thức của học sinh phổ thông trong thời gian ngắn.
Năng lực phản ứng nhanh và chính xác của con người có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất của thời đại ngày nay khi mà toàn cầu hóa và tiến bộ của Khoa hoc Kỹ thuật phát triển như vũ bão.
Còn với những đề khó, phải nghĩ nhiều, luyện nhiều thì không nên ra vì số lượng thí sinh thích hợp với loại đề kiểu này không nhiều.
“Vấn đề sử dụng kết quả thi theo như quy định trong phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, tôi cho như vậy là hợp lý đúng là loại bỏ được cả rủi ro và may mắn” - Hiệu trưởng Phan Quang Thế cho biết thêm.
Tổ chức thi, chấm thi theo cụm là hợp lý
Ông Phan Quang Thế cho rằng, với thí sinh không có nguyện vọng đăng ký vào học ở các trường đại học và cao đẳng, không cần sự tham gia coi thi, chấm thi của các trường đại học và cao đẳng.
Việc coi thi đối với những thí sinh sẽ đăng ký vào trường đại học và cao đẳng là do trường đại học chủ trì và Sở GD&ĐT phối hợp là hợp lý.
Còn việc chấm thi, nên kết hợp giữa giảng viên trường đại học với giáo viên của các Sở GD&ĐT. Việc tổ chức thi theo cụm cũng làm giảm bớt hẳn phiền hà về đi lại của thí sinh và gia đình, đồng thời giảm được tập trung thí sinh ở các thành phố lớn.
Đối với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên, chúng tôi chưa quyết định, nhưng theo quan điểm của riêng tôi thì 4 môn thi nói trên là quá đủ để đánh giá thí sinh.
Để thuận lợi cho thí sinh thì việc đăng ký nguyện vọng sẽ giao trực tiếp cho các cơ sở giáo dục đại học thành viên tuyển chọn.
Làm như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, tránh được nhiễu vì thông tin thất thiệt giữa các cơ sở giáo dục đại học thành viên so với tập trung về một đầu mối Đại học Thái Nguyên như khi còn thi 3 chung.