Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải thực hiện việc xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Đối với những ngành không có tính chất đặc thù, phải sử dụng tối thiểu 3 môn thi để xét tuyển.
Đây là một trong những yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển vào trường.
Cụ thể, phải xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét tuyển. Ngoài ra, các trường có thể xác định các tổ hợp môn thi khác để xét tuyển nhưng phải theo nguyên tắc: đối với ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất 1 môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển; đối với các ngành còn lại, sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn Toán hoặc (và) môn Ngữ văn để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số 2 khi xét tuyển.
Trên cơ sở các môn thi đã được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo, các trường phải gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 15/10/2014 tới. Đồng thời phải công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, các trường tuyển sinh theo các phương thức khác thì phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.
Để các trường hiểu rõ hơn về kì thi THPT quốc gia cũng như giải pháp các vướng mắc liên quan, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tổ chức hội nghị triển khai phương án kỳ thi THPT quốc gia và cách thức tuyển sinh ĐH-CĐ từ năm 2015 đến các sở GD-ĐT và các trường ĐH-CĐ.
Hội nghị được tổ chức tại 3 địa điểm: T.P Hà Nội, T.P Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế và T.P Hồ Chí Minh vào tuần tới.