Chiều 9/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố Phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ năm 2015.
Theo đó, từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia). Kết quả của kỳ thi này sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí xung quanh kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Sẽ tính toán để không quá tải thí sinh dự thi
PV: Thưa Thứ trưởng, nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức thi theo cụm thì liệu có xảy ra tình trạng quá tải không; cơ sở vật chất có đảm bảo chất lượng thi? Theo dự kiến, kỳ thi được tổ chức vào các ngày trong tuần có gây ùn tắc giao thông không và có nên bố trí vào cuối tuần để giảm lưu lượng thí sinh dự thi ở các tỉnh, thành phố?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Về vấn đề này, Bộ sẽ nghiên cứu, tính toán cụ thể để không xảy ra tình trạng quá tải, bố trí cụm thi theo khoảng cách địa lý với số lượng trung bình 30000-40000 thí sinh/cụm thi.
Thí sinh thi xong thì có quyền lựa chọn trường ĐH, CĐ
PV: Điểm mới nhất của kỳ thi TPHT quốc gia tổ chức vào năm 2015 là như thế nào. Việc đổi mới có ảnh hưởng đến quy chế xét duyệt thí sinh vào các trường ĐH, CĐ không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điều mới của kỳ thi này là thí sinh không còn phải đăng ký thi vào trường ĐH, CĐ trước rồi mới thi như lâu nay vẫn làm, mà theo phương án mới, thí sinh dự thi THPT quốc gia xong, sẽ căn cứ vào kết quả cụ thể của mình để đăng ký trường ĐH, CĐ cho phù hợp.
Về điều kiện đăng ký xét duyệt vào các trường ĐH, CĐ thì các trường sẽ thông báo, tránh tình trạng thí sinh đăng ký ồ ạt như mọi năm. Thí sinh căn cứ vào số điểm và năng lực để đăng ký. Dự kiến, Bộ sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, tạo thuận lợi trong việc xét điểm cho thí sinh. Hơn nữa, tất cả điểm thi sẽ được thông báo công khai trên mạng Internet, kèm số liệu thống kế nhất định, cụ thể để các trường dựa vào đó tuyển sinh.
Đổi mới kỳ thi tạo thuận lợi cho thí sinh chọn nghề phù hợp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
PV: Thưa Thứ trưởng, với phương án thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố thì có kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học ở các trường THPT không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi có quyết định của Bộ trưởng GD-ĐT về Đề án tuyển sinh mới, Bộ sẽ đưa vào Quy chế thi tuyển sinh mới là Quy chế mới sẽ không xáo trộn nhiều và gây hoang mang cho học sinh. Do đó, trước mắt, Bộ cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình THPT. Vì vậy, các em thí sinh hãy yên tâm học tập, không phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp.
PV: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tác động lớn đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng có thể cho biết việc tuyển sinh riêng của các trường sẽ như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các trường ĐH tốp trên, đạt chất lượng đào tạo tốt có thể tổ chức kỳ thi riêng để lựa chọn thí sinh đủ năng lực phù hợp vào trường của mình. Đó là quyết định của từng trường để lựa chọn tuyển sinh.
Bộ không khống chế các trường tuyển sinh riêng. Còn kỳ thi THPT quốc gia là đủ tin cậy để đảm bảo cho các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh.
Các trường tuyển sinh riêng phải đảm bảo chính sách ưu tiên cho thí sinh
PV: Khi áp dụng một kỳ thi quốc gia vào năm 2015, các trường ĐH, CĐ mà tuyển sinh riêng sẽ áp dụng chính sách ưu tiên thế nào để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các chính sách ưu tiên cụ thể áp dụng cho thí sinh sẽ được đưa vào quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường tuyển sinh riêng năm 2014 cũng vẫn áp dụng chính sách ưu tiên chung mà Bộ GD-ĐT quy định. Năm 2015, bất kể áp dụng phương thức tuyển sinh riêng nào, các trường ĐH, CĐ cũng sẽ phải thực hiện chính sách ưu tiên chung.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.