Thông tin cô giáo Lâm Nguyễn Thu Hiền vừa đạt giải Nhất trong cuộc thi Giải thưởng sáng tạo trẻ lần thứ XI, năm 2014 do Tỉnh đoàn tổ chức đã lan tỏa khắp Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh. Đây không chỉ là niềm vui của cá nhân chị mà của tập thể tổ chuyên môn, nhà trường.
Đề tài “Tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường trong một số bài học môn Địa lý lớp 10” mà cô giáo Lâm Nguyễn Thu Hiền gửi tham dự cuộc thi chính là lĩnh vực chị đang trực tiếp giảng dạy. Đây là phương pháp mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, khuyến khích các nhà trường tích cực thực hiện nhằm đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả dạy và học.
Chị Hiền cho biết: “Tôi thực hiện đề tài này với hai ý nghĩa, thứ nhất đây là yêu cầu của quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Thứ hai là thông qua việc tích hợp kiến thức bài giảng sẽ cung cấp đầy đủ và khách quan từ lý thuyết đến thực tiễn cuộc sống, từ đó giúp học sinh có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại không gian sống và học tập của mình”.
Lật giở Đề tài cũng như trực tiếp nghe một tiết giảng của chị trên lớp, chúng tôi nhận thấy chị đã bỏ ra rất nhiều công sức để tập hợp các tư liệu, hình ảnh để lồng ghép những kiến thức về môi trường trong các bài giảng, đặc biệt là thực trạng ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Trong bài giảng: “Môi trường và sự phát triển bền vững”. Nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được tích hợp ở chỗ về kiến thức, các em học sinh được cung cấp thông tin về sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là điều kiện để phát triển. Về kỹ năng, các em nắm bắt được cách thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tiết kiệm tài nguyên trong sinh hoạt và sản xuất. Giờ học trở nên sôi nổi, hứng thú bởi có sự tham gia tích cực của các em học sinh vào quá trình dạy học.
Em La Thanh Tùng, Bí thư Chi đoàn lớp 12A1 cho biết: “Tiết học như thế này rất bổ ích, bởi từ những kiến thức cô giáo truyền đạt chúng em nắm được có thể vận dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Đơn giản như việc uống nước, trước đây có thể rót cả cốc, uống 1 ngụm rồi đổ đi. Giờ thì em đã hiểu phải tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất, mình uống bao nhiêu thì rót vừa đủ…”.
Những phương pháp tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường được cô giáo Lâm Nguyễn Thu Hiền đưa vào trong một số tiết học môn Địa lý lớp 10 là Phương pháp đàm thoại gợi mở; sử dụng các phương tiện trực quan (bản đồ, tranh ảnh, băng hình) nêu và giải quyết vấn đề và đưa học sinh tham quan, khảo sát thực địa. Với phương pháp này không chỉ giúp học sinh kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, đồng thời còn đi sâu, tìm hiểu bản chất của hiện tượng của môi trường tự nhiên, nhân tạo; hiểu mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với môi trường, những vấn đề nảy sinh do các hoạt động của con người gây ra với môi trường những nguy cơ tiềm ẩn mà con người ngày càng phải thực hiện.
Được biết, Đề tài “Tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường trong một số bài học môn Địa lý lớp 10” chính là những kiến thức mà cô Lâm Nguyễn Thu Hiền thu lượn được sau 9 năm giảng dạy. Cô giáo Nông Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: Cô Lâm Nguyễn Thu Hiền là một trong những giáo viên có nhiều sáng kiến trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Việc ứng dụng dạy học tích hợp ở môn Địa lý mang lại nhiều lợi ích như giúp học sinh áp dụng được nhiều kỹ năng, nền tảng kiến thức tích hợp giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn, khuyến khích việc học sâu và rộng, thúc đẩy thái độ học tập tích cực đối với học sinh. Nhà trường luôn tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên ở tất cả các bộ môn ứng dụng phương pháp này để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.