Xung quanh quyết định tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia: Không ít băn khoăn, lo lắng

10:11, 17/09/2014

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cán bộ quản lý các trường, các bậc phụ huynh, học sinh (HS), tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng…

Chiều 9-9, Bộ GD ĐT đã ban hành Quyết định số 3538 phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) từ năm 2015. Theo đó, kì thi THPT Quốc gia hằng năm được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi sẽ được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12-6. Về môn thi: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thí sinh (TS) phải thi 4 môn (gọi tắt là 4 môn thi tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn thi tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, TS có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ. TS đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH,CĐ. Về đề thi ra theo hướng đánh giá TS ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ TS. Về tổ chức thi, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT các sở GD&ĐT kết hợp kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có).

 

Có mặt tại các trường THPT thời điểm này chúng tôi nhận thấy các trường đều lên phương án chuẩn bị cho kỳ thi. Thầy Cao Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép khẳng định: Việc Bộ GD&ĐT quyết định kỳ thi THPT Quốc gia, lấy kết quả để xét vào các trường ĐH,CĐ đối với những TS có nhu cầu học là khá ưu việt. Quyết định này là cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Với nhiều điểm mới của kỳ thi năm nay, Nhà trường đã thông báo đến các bậc phụ huynh khối 12, toàn thể đội ngũ giáo viên và HS. Căn cứ vào cách thức ra đề năm nay, trong chỉ đạo dạy và học tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, từ cách ra đề kiểm tra đối với mỗi môn học. Nhà trường giao quyền tự chủ cho các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch dạy học cho từng môn học trong phân phối chương trình đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng.

 

Làm việc với một số tổ bộ môn của Nhà trường, chúng tôi nhận thấy các thầy cô đã bắt nhịp rất nhanh với quyết định này. Theo cô Lý Thị Hà, giáo viên môn Hóa học: Khi đọc phương án thi, bản thân tôi cũng hơi hoang mang ở chỗ chúng tôi đang đi tập huấn thay sách giáo khoa. Tôi nghĩ theo lộ trình thì nên để 2-3 năm nữa quyết định thay đổi phương thức thi là phù hợp. Trước quyết định lần này của Bộ, bản thân tôi cũng như các giáo viên trong tổ bộ môn đã tập trung nghiên cứu những điểm mới của kỳ thi để tổ chức đổi mới phương pháp dạy học theo hướng ngoài trang bị để HS hiểu biết, thông hiểu là biết cách vận dụng vào thực tế.

 

Đối với các em HS khối 12, các em đón nhận quyết định này vừa vui mừng, vừa lo lắng. Em Nguyễn Thị Lan, HS lớp 12 A2 cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT quyết định 1 kỳ thi quốc gia giúp tiết kiệm về thời gian, tiền bạc cho các bậc phụ huynh HS. Vì nếu thi như năm trước, sau kỳ khi tốt nghiệp, HS tá hỏa đi các tỉnh để thi ĐH, như vậy rất tốn kém. Tuy nhiên, em cũng thấy rất lo lắng, vì năm trước môn thi ngoại ngữ chỉ là môn tự chọn thì nay lại là môn thi bắt buộc. Đối với em Lương Văn Minh, lớp 12A1 thì tỏ ra khá băn khoăn. Theo Minh: Em học ban tự nhiên, theo quyết định 3 môn thi bắt buộc nêu trên em phải đăng ký thi tự chọn ít nhất 2 môn mới được 1 khối thi đại học mà em chọn trường.

 

Những băn khoăn của Minh, Lan cũng là nỗi niềm chung của nhiều HS khối 12 trong toàn tỉnh. Trao đổi cùng chúng tôi, em Chu Thị Thúy Huệ, HS lớp 12A2, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho rằng: 3 môn thi bắt buộc là dành cho các bạn học khối D, với những HS chuyên sâu khối A và khối C sẽ phải thi thêm 2-3 môn nữa mới có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ. Em sẽ đăng ký thi 2 môn tự chọn là Hóa học và Vật lý để có điểm đăng ký vào các khoa thuộc các trường đại học thuộc khối A và A1.

 

Điểm mới nữa của kỳ thi năm nay là sẽ tổ chức thi theo cụm. Những TS có nguyện vọng thi tốt nghiệp vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ Bộ GD&ĐT quyết định thi theo cụm và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi cho các trường ĐH. Còn đối với những TS chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND tỉnh tổ chức một cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Về vấn đề này, theo thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Ngọc Quyến là không khả thi. Theo thầy Hà: Tôi quan sát nhiều năm nay, hãn hữu lắm mới có HS thi tốt nghiệp mà không đăng ký thi ĐH, CĐ. Kể cả những HS có học lực yếu, sau khi thi tốt nghiệp vẫn thi ĐH.

 

Cũng về vấn đề này, PGS-TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên bày tỏ sự lo lắng. Theo thầy Vui: Chúng ta tổ chức thành các cụm thi, giao cho một đơn vị đứng đầu chủ trì, chắc chắn sẽ có sự tham gia của các cơ quan địa phương, các sở, ngành, thậm chí là sự tham gia giám sát của nhiều cơ sở giáo dục trong cụm đó. Vậy thì sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ thế nào? Phải quy trách nhiệm chính thuộc về ai. Song song với chuẩn bị phương án, quy chế, bộ đề thi để cho TS có cơ hội đăng ký kỳ thi này đảm bảo 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH,CĐ, thì các trường ĐH phải xây dựng sớm phương án tuyển sinh cụ thể về chỉ tiêu, cũng như điều kiện để xét tuyển cho từng ngành. Có thể thấy đây cũng là áp lực đối với các trường. Tuy nhiên, đó là vấn đề các trường phải chủ động.

 

Qua thăm dò, rất nhiều HS, giáo viên ở Thái Nguyên mong rằng, phương án xét tuyển và thi tuyển của các trường ĐH sớm được công bố để các trường THPT xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó, cần sớm thông báo định hướng về cấu trúc đề thi. Phương án kỳ thi THPT quốc gia đưa ra, Bộ GD&ĐT đã tạo nhiều cơ hội cho HS có quyền chọn lựa những môn học thuộc sở trường, vừa phối hợp giữa ôn thi tốt nghiệp, ôn thi vào ĐH, CĐ và chọn lựa ngành nghề của mình sau này. Song quan trọng nhất vẫn là khâu coi thi, tổ chức kỳ thi nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng dạy và học trong các nhà trường hiện nay.