Bỏ chấm điểm học sinh tiểu học: Giáo viên và phụ huynh băn khoăn

10:28, 13/10/2014

Một trong những điểm mới của năm học 2014-2015 là ngày 28-8-2014 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 30 Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Theo đó, sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ HS. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-10 tới. Xoay quanh việc thực hiện quyết định này, không ít giáo viên (GV), HS và các bậc phụ huynh băn khoăn lo lắng…

Quy định này nhằm đánh giá HS theo nguyên tắc vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; giúp các em phát huy tất cả khả năng. Một điểm khá mới được Thông tư số 30 đó là đối tượng tham gia đánh giá thường xuyên gồm: GV, HS (tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ HS. Trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà HS phải thực hiện, GV nhận xét bằng lời nói trực tiếp với HS hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của HS về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kỹ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của HS.

 

Giảm áp lực cho học sinh

 

Để chuẩn bị cho đánh giá theo thông tư mới, đến thời điểm này các phòng GD&ĐT trong toàn tỉnh đã tiến hành đồng loạt tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV các trường tiểu học. Nhiều trường đã tổ chức các buổi thảo luận về cách tổ chức lớp, cách nhận xét ngắn gọn, hiệu quả, cách nhận xét HS theo tổ, theo môn. Trao đổi với chúng tôi, cô Cao Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: Ngay sau khi Thông tư ban hành, Nhà trường đã cho GV học tập và phổ biến đến toàn thể các bậc phụ huynh, HS trong cuộc họp đầu năm để biết cùng phối hợp với GV chủ nhiệm, Nhà trường để thực hiện tốt. Theo tôi, thay đổi cách đánh giá HS bằng nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm giúp người dạy hiểu HS của mình, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Và nhờ không có điểm số mà HS cũng bớt ganh đua, tị nạnh nhau, không khí lớp học trở nên thân thiện, gần gũi hơn; giảm áp lực cho cả HS lẫn phụ huynh. Tôi yêu cầu GV khi nhận xét bài làm của HS không được dùng những từ quá ngắn gọn như: Được, chưa được, cần cố gắng, cố gắng… mà phải dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tình cảm, tránh tổn thương trẻ, nhận xét làm sao để HS nỗ lực hơn nữa trong học tập. Ví dụ như bài của HS viết đúng, đẹp, cô giáo nhận xét: Bài viết đẹp, cô khen; hay như bài của HS viết đúng nhưng chưa đẹp, cô giáo nhận xét: Bài viết đúng nhưng chưa đẹp, cần luyện thêm…

 

“Từ trước tới nay, bản thân tôi vẫn luôn khích lệ HS bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ là điểm số bởi chỉ riêng điểm số không sẽ rất khô cứng, sự tương tác giữa HS và GV cũng không cao. Quy định mới này giúp các em HS có thể vừa học vừa chơi, không lo sợ điểm thấp bị thầy cô phê bình hay cha mẹ phạt. Thay vào đó chúng ta có thể làm nhiều điều kiện để phát triển toàn diện phẩm chất cho các em” - Cô giáo Vũ Hồng Tiến, Trường Tiểu học Hóa Thượng 1, Đồng Hỷ chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế không ít phụ huynh, HS băn khoăn, thậm chí lo lắng. Anh Lê Anh Tài, phụ huynh của cháu Lê Thị Thúy Hiền, HS lớp 2B, Trường Tiểu học Hóa Thượng chia sẻ: Tôi thấy nhận xét, đánh giá như thế này rất trừu tượng, điểm 8 với điểm 10 như nhau. Trước đây chỉ mắc 1 lỗi nhỏ cô cho 10 trừ, giờ nhận xét tôi cũng không định lượng được con mình mấy điểm. Còn theo em Phạm Thùy Linh, lớp 5B, Trường Tiểu học Hóa Thượng 1: Cá nhân em thích chấm điểm hơn nhận xét. Vì chấm điểm em có thể biết rõ ràng mình đang học ở mức nào…

 

Tuy năm học trước đã có một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện cách đánh giá này đối với khối lớp 1, song thực hiện quy định này đồng loạt không ít giáo viên băn khoăn vì khối lượng công việc nhiều hơn…

 

Tăng trách nhiệm của giáo viên

 

Trong quá trình thực hiện HS sẽ không bị áp lực về điểm số, nhưng GV thì phải dành nhiều thời gian hơn cho việc đánh giá. Cô Lê Thị Kim Chi, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: 1 tiết học không thể nhận xét hết cả lớp, trong khi đó về nhà phụ huynh kiểm tra vở của con cô không có nhận xét gì thì không biết con học ở lớp thế nào. Vì thế, với mỗi môn trong 1 buổi học, tôi cố gắng nhận xét cho ½ HS trong lớp. Ví dụ môn Toán hôm nay nhận xét ½ lớp, số còn lại tôi nhận xét vào bài tiếng Việt hoặc bài tập đọc, luân phiên hôm sau đảo lại, như vậy các em đều được nhận xét. Song để nhận xét được từng đó em, giờ nghỉ giải lao giữa giờ tôi cũng không còn. Khó khăn nữa là đối với GV, đó là việc nhận xét sao cho HS và phụ huynh thấy được quá trình học của các em thay đổi mà lời nhận xét đó không rơi vào tình trạng sáo rỗng, lặp đi lặp lại. Với thang điểm 10, phụ huỵnh có thể thấy được sự thay đổi của các em thể hiện qua từng con số. Nhưng với việc đánh giá bằng lời, các GV sẽ rất mất thời gian để lời phê dành cho các em không giống nhau và thay đổi mỗi ngày. Với các em có kết quả tụt dốc thì việc nghĩ ra lời phê để các em không tự ti mặc cảm và phụ huynh không hoang mang là rất vất vả.

 

Một vấn đề khác được cô giáo Cô giáo Vũ Hồng Tiến, Trường Tiểu học Hóa Thượng 1 phản ánh: Mặc dù ý tưởng thay đổi cách đánh giá là tốt, nhưng quy định này cũng không tránh khỏi một số bất cập như khi GV nhận xét trực tiếp cho HS, các em lớp 1 không nhớ về truyền đạt cho cha mẹ. Còn viết vào vở thì các em không thể đọc được lời nhận xét của cô, phần nhận xét đó chủ yếu dành cho phụ huynh đọc, vì lớp 1 các em chủ yếu đang nhận mặt chữ, học đánh vần, việc đọc những dòng nhận xét là điều chưa thể làm ngay được.

 

Giải quyết khó khăn này, nhiều trường đã có những cách làm sáng tạo. Cụ thể như Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân quy định GV phải đến sớm hơn quy định, về muộn hơn để phụ huynh có nhiều thời gian gặp trực tiếp trao đổi về tình hình học tập của con em mình. Mặt khác, thông qua hệ thống tin nhắn điện tử của trường, hàng tuần các cô giáo chủ nhiệm soạn tin nhắn khi cần thiết để gửi trực tiếp cho các bậc phụ huynh HS. Từ những nhận xét của GV, phụ huynh đọc nắm rõ hơn ưu, nhược điểm của con mình, từ đó tập trung phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu...

 

Dẫu còn có những lo lắng, băn khoăn bước đầu khi tiếp nhận cách thức mới nhưng với mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện, tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, ngành Giáo dục đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất hơn. Đây cũng là một trong những bước đi nhằm hoàn thiện, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục bậc tiểu học.